Tháng tư, nhớ mãi những ngày…

…Hai bà cháu ấy là những người Sài Gòn tôi gặp nói chuyện chiều 30-4-1975 tại ga Sài Gòn, bên cạnh chợ Bến Thành.
Tháng tư, nhớ mãi những ngày…

…Hai bà cháu ấy là những người Sài Gòn tôi gặp nói chuyện chiều 30-4-1975 tại ga Sài Gòn, bên cạnh chợ Bến Thành.

Nhà ga hồi ấy nằm ở Công viên 23-9 ngày nay. Nơi này là đầu mối giao thông của thành phố “Hòn ngọc Viễn Đông”: Là nhà ga, bến xe buýt, là bến cảng, là chợ… Giữa cái ồn ào náo động, chúng tôi ngồi nói chuyện yên bình. Bà nói: “Nhà tôi ở chợ Cầu Muối. Đường về nhà đâu có xa xôi gì mà 30 năm chưa về nhà một bữa. Tôi dẫn cháu đi tìm cậu cho hai cậu cháu gặp mặt nhau”. “Thế ba mẹ cháu đâu?”, tôi hỏi. “Chạy loạn chết cả rồi”, giọng nói khô nước mắt. Hình như nỗi chịu đựng của người đàn bà này đã đanh cứng lại. Bà tên là Hồng, thứ tám, cô bé tên là Hường. “Bé Hường ra đây cậu bồng”, từ hồi công tác dân vận ở vùng giáp ranh với Sài Gòn, tôi thường gọi theo cách họ hàng bên ngoại với người dân cho gần gũi và thân tình…

Bỗng hiện lên trước mắt tôi hình ảnh một anh lính ngụy. Anh tên là Đi, quê Củ Chi, chừng tuổi tôi. Anh Đi cùng “chiến hữu tử thủ” ở căn cứ Tống Lê Chân mấy tháng rồi. Căn cứ nhỏ này nằm lọt thỏm giữa vùng giải phóng. Anh trốn bò ra ngoài và bị bắt. Anh Đi cứ khóc ròng. Anh nói, sắp tới ngày thôi nôi đứa con đầu lòng, anh phải về nhà thăm vợ con. Tình phụ tử của “người lính tử thủ” khiến tôi nhớ lâu. Tình Người…

***

Theo chân các lớp đàn anh như Nguyễn Quang Sáng, Mai Văn Tạo, Anh Đức, Trần Kiết Tường, Phan Nhân, Trần Nam Dân…, tôi về B5, tức Đài phát thanh Giải Phóng cùng với các anh Lê Điệp, Cao Xuân Phách. Ở Ban Tuyên huấn R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam), đài phát thanh có điều kiện để đi các chiến trường. Những năm ác liệt nhất, khu giải phóng bị thu hẹp. Tôi cùng Lê Quang Trang, Đỗ Nam Cao được về vùng Trảng Bàng để làm công tác dân vận. Sau Hiệp định Paris, tôi cùng đồng đội đi làm nhiệm vụ đón tiếp anh em tù binh tại Thiện Ngôn, Lộc Ninh… Chiến sự bùng lên. Tôi xin đi mặt trận đường 14, đường 13, Dầu Tiếng, Chơn Thành, Cầu Khởi rồi Bình Long, Phước Long, An Lộc… Chiến thắng Buôn Ma Thuột, chúng tôi lại lên đường. Chiến dịch Hồ Chí Minh, đêm tạm biệt thật đáng nhớ. Bạn bè đãi nhau chén chè đậu xanh sữa. Anh Cao Xuân Phách giữ lại cho tôi một thùng đại liên gọi là “tài liệu”, thật ra chỉ là những bài thơ viết nháp nhăng nhít trên đường Trường Sơn, trong chiến khu... Cùng đồng đội băng qua chiến trường Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, theo các chiến sĩ giải phóng Xuân Lộc (Biên Hòa), trưa 30-4, tôi vào Sài Gòn trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng từ hậu phương miền Bắc gởi vào.

Tác giả phỏng vấn nghệ sĩ Kim Cương tại Đại hội Hội Nhà văn thành phố tháng 5-1975. Ảnh: LÂM TẤN TÀI

Ở chung cư 49/1 Hồ Biểu Chánh (quận Phú Nhuận), tôi quen thân với một chị tên Thảo Lan, nghe nói là người giúp việc nhà cho người nước ngoài, có cô con gái lai 4 tuổi dễ thương. Chị Lan nói cháu lai Pháp. Chúng tôi biết vậy mà không hỏi gì thêm. Chị Lan thường cho tôi đưa cháu bé đi chơi phố, nhất là thăm bạn bè. Tôi chở cháu Hoàng Lan, tên Tây là Helen lên chỗ Hà Phương, Trần Thị Thắng… Những đứa con lai tôi đã gặp quá nhiều trong chiến tranh. Hồi ở Trảng Bàng, Năm Căn, tôi còn làm thơ tặng các cháu. Bây giờ hòa bình, những đứa con lai đã lớn hơn. Các cháu đỡ nhếch nhác hơn và xinh đẹp. Được vài năm, cháu Helen đi nước ngoài theo diện con lai. Chị Thảo Lan về quê mẹ ở Biên Hòa. Chị có đưa thư cháu gởi về cho tôi mấy lần.  Helen kêu tôi là cậu Út và còn giữ bức ảnh chụp ngày mừng chiến thắng trước Dinh Thống Nhất… Bây giờ cháu đã là người mẹ hơn 40 tuổi và ba đứa con. Chị Thảo Lan định ra nước ngoài sống sum vầy với con cháu, nhưng vì mẹ chị già cả bệnh tật nên chị cứ nấn ná. Mẹ chết, được hơn 1 năm chị cũng đi theo bà. Niềm vui đoàn tụ dở dang. Chị Thảo Lan chết, Helen không còn liên lạc với tôi nữa.

Mỗi người có một số phận. Nhưng trong chiến tranh, qua chiến tranh, số phận mỗi người lại giống nhau: Đó là nỗi niềm sum họp chưa tròn!

***

Bạn bè tôi, thế hệ của chúng tôi ra trận tươi trẻ, sôi nổi nhiệt tình. Yêu cuộc sống nên biết chắt chiu hạnh phúc và giữ gìn hạnh phúc. Nhớ mãi những đám cưới trong rừng của anh Diệp Minh Tuyền - chị Bửu Lan, Lê Long - Ngọc Thủy, đám cưới anh Xuân Kỳ - Diệp Thu, đám cưới anh Giao - chị Yến… Tôi còn thức đêm làm thơ nữa kìa! Những câu thơ ngây ngô thật thà, bây giờ đọc lại, thấy thương: Khi bạn tôi cưới vợ/ Thằng Mỹ sẽ hết hồn;  Chắc sau này con thương cha mẹ hơn/ Cha mẹ hơn ba mươi tuổi rồi mà chưa có con...

Những ngày sau giải phóng thật bận rộn và vô tư. Đúng như nhạc sĩ Xuân Hồng hát “Tuổi lớn rồi mà như ngây thơ”. Tôi lao vào những hoạt động xã hội và đi. Cùng các văn nghệ sĩ giải phóng đọc thơ cho công nhân, nhất là sinh viên. Là người làm báo, tôi trở thành anh tuyên truyền viên. Tôi nhớ trong một lần đọc bài thơ Bài ca mùa xuân 1961 của Tố Hữu tại trường đại học, có người hỏi: “Tại sao các nhà thơ cộng sản lại chi ly tính toán… trong tình yêu, chia trái tim mình chi vậy?”. Vốn là phóng viên, tôi được rèn luyện kỹ năng phải “phản ứng nhanh”. Tôi trả lời: “Trích thơ, trích văn thì nên trích đầy đủ”. Rồi tôi đọc lại cả đoạn thơ - Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về/ Mà nói vậy: “Trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ, và phần để em yêu…”/ Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”/ Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí/ Dắt nhau đi cho đến sáng mai nay/ Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay - và nói: “Các anh chị thử đoán xem nhà thơ cộng sản Tố Hữu đã không nói những gì khó nói, nhưng ai cũng hiểu. Có phải hai người đã đi để… yêu nhau tha thiết đắm say… hết đêm không. Tình yêu trọn vẹn và mãnh liệt lắm!”. Cô gái ngồi bên thúc vào người tôi nói: “Bó tay mấy ông luôn!”. Hội trường vỗ tay rần rần và sau đó… tôi có vợ.

Và với riêng tôi, ngày 30-4 là ngày được sống, được gặp nhau và được yêu thương!

Tháng 4-2015

VŨ ÂN THY 

Tin cùng chuyên mục