
Những ngày tháng tư này, trong lòng người dân thành phố, mỗi bước đi cứ ngân lên giai điệu bài hát “ Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng.

Chuyện kể rằng, khi hành quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975, cũng như nhiều văn nghệ sĩ, nhạc sĩ Xuân Hồng nghĩ đến thắng lợi và cũng nghĩ đến cái chết (sinh thời nhạc sĩ Xuân Hồng là một người thích tấu hài và chuyện tiếu lâm.
Khi nói về cái chết của mình, ông thường nói nghẻo). Cánh văn nghệ Quân Giải phóng thì nghĩ tới nhà văn Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn)… còn cánh văn nghệ Giải Phóng thì nghĩ và nhớ nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến)… là những nhà văn tiêu biểu hy sinh trong các trận đánh ác liệt xuân Mậu Thân 1968. Chuẩn bị…. để chết đẹp là cách nghĩ rất bình thường trong chiến tranh, nhưng phải sáng tác được một cái gì đó, bởi công việc đòi hỏi vậy.
Nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết ca khúc nổi tiếng “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” trên đường hành quân tiến vào Sài Gòn mùa xuân 1975. Ông nhẩm hát, nhẩm thuộc và cứ thế bài hát hình thành. Để dễ thuộc, không quên vì nhiều sự kiện dồn dập, với phong cách dân gian dân tộc, nhạc sĩ Xuân Hồng chọn làn điệu dân ca quen thuộc cho sáng tác của mình. Nhưng để nhớ… nhiều đoạn, ông phải dùng lá trung quân khô, viết lên.
Lá trung quân là loại lá rừng ở miền Đông Nam bộ có đặc tính không cháy, giữ được lâu. Bài hát “ Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” lúc đầu được viết như vậy. Khi Sài Gòn giải phóng, nhạc sĩ Xuân Hồng chỉnh sửa và từ đó, bài hát cứ vang lên vui tươi, rộn ràng đầy lòng tự hào, thân thiết: “Mùa xuân này về trên quê ta. Khắp đất trời biển rộng bao la. Cây xanh tươi ra lá trổ hoa. Chào mùa xuân lại đến mọi nhà”… “Thành phố Hồ Chí Minh quê ta. Đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói. Lưu danh đến muôn đời”.
Bài hát là bước đi của anh Giải phóng quân từ chiến khu miền Đông Nam bộ về với Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh được viết trong ba năm mới hoàn thành (từ 1975 tới 1978). Cùng với “ Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của Đăng Trung-Cao Việt Bách, và nhiều ca khúc của Hoàng Hiệp, Phan Nhân, Lư Nhất Vũ, Phạm Minh Tuấn… “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng là những ca khúc lịch sử, sống mãi với thành phố thân thương, anh hùng.
Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, quê Tây Ninh. Ông lấy bút danh là Xuân Hồng vì lẽ ông rất có duyên nợ với mùa xuân. Trong gia tài sáng tác của nhạc sĩ Xuân Hồng, công chúng thuộc và hát nhiều những “Xuân chiến khu” (1963), “Gương mặt mùa xuân” (1965), “Mùa xuân bên cửa sổ” (1985), “Bức ảnh mùa xuân” (1988) và “Thành phố vườn hoa bốn mùa”, Nắng Sài Gòn”… đều viết vào vùa xuân và về mùa xuân…
Với vai trò Tổng thư ký Hội âm nhạc TPHCM nhiều năm, nhạc sĩ Xuân Hồng là một trong những tác giả của những chương trình” Đêm nhạc giới thiệu tác giả, tác phẩm” và các cuộc thi hát, trong đó có “Tiếng hát truyền hình”…