Nhìn cơ ngơi trên, ít ai nghĩ rằng, Thắng từng thất bại trong nghề trồng nấm, có lúc rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Anh chia sẻ: “Mỗi lần thất bại tôi lại ngẫm đến câu nói của Bác Hồ căn dặn thanh niên là Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. Rồi tôi lại nuôi ý chí, quyết tâm làm lại và cuối cùng đã thành công”.
Bùi Minh Thắng bên vườn nấm
Nuôi ý chí
Sinh ra trên quê hương “đất thép thành đồng”, ngay từ nhỏ, Thắng đã được trui rèn đức tính chịu khó. Hàng ngày, ngoài thời gian đến lớp, Thắng còn phụ giúp gia đình làm nấm. Năm 2009, tốt nghiệp xong trung học phổ thông, Thắng quyết định gác lại con đường đại học để bước vào hành trình khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm. Ngay lúc này, bao trăn trở hình thành trong đầu Thắng: Làm gì để mở rộng diện tích vườn nấm gia đình? Cách nào để sản lượng, chất lượng nấm của gia đình cạnh tranh được với nấm nhập khẩu, thu hút nhiều người tiêu dùng?...
Nằm đêm suy nghĩ, cuối cùng Thắng đưa ra câu trả lời: Phải đổi mới công nghệ làm nấm. Nhưng để thay đổi một dây chuyền trồng nấm, yếu tố đầu tiên là phải có vốn. Sau khi tính toán kỹ các phương án, Thắng mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ người thân và nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Huyện đoàn Củ Chi để xây dựng hệ thống làm nấm bằng công nghệ hiện đại.
Những phôi nấm đầu tiên của dây chuyền làm nấm mới đã cho ra đời sản phẩm chất lượng hơn so với cách làm thủ công, truyền thống trước đây của gia đình. Tuy nhiên, sản lượng dù có tăng nhưng không đạt so với mục đích đặt ra, doanh thu vẫn không đủ để khấu trừ vào các chi phí đầu tư, bảo dưỡng lò hơi, máy phun sương, trả lương nhân công… Nguồn thu từ trại nấm giảm sút, Thắng lâm vào cảnh nợ nần. Khó khăn chồng chất tưởng chừng đã dập tắt ngọn lửa đam mê khởi nghiệp của chàng trai trẻ, nhưng không, Thắng vẫn nuôi ý chí bằng cách vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
“Trong cái khó ló cái khôn. Sau khi rà soát lại quy trình làm nấm, tôi thấy việc mua lại meo giống từ đơn vị khác chứa nhiều rủi ro, dễ bị sâu bệnh, không phù hợp với điều kiện nhà trại ở đây nên cho ra năng suất không cao. Tôi lên mạng tìm hiểu, nghiên cứu về cách nuôi cấy meo giống, rồi khảo sát thực tế nhiều trại nấm ở khắp các địa phương trong cả nước, cuối cùng cũng sản xuất được meo giống khỏe mạnh, phát triển tốt”, Thắng chia sẻ về sự đột phá trong quá trình làm nấm của mình.
Hái thành công
Từng bước điều chỉnh và khắc phục các hạn chế, thay đổi cách làm mới trong dây chuyền trồng nấm, sản lượng thu được từ trại nấm của Thắng ngày càng gia tăng. Nấm trồng ra phát triển đều hơn, ngọt hơn, khách hàng tìm đến mua nhiều hơn. Tháng 4-2016, khi quy trình sản xuất ổn định, Thắng thuyết phục gia đình cho mượn giấy chủ quyền nhà đất để vay ngân hàng thêm 600 triệu đồng, mở rộng diện tích nhà trại lên 700m².
Không chỉ trồng nấm thành phẩm, cung cấp cho chợ đầu mối, siêu thị, Thắng còn tập trung nuôi cấy và cung cấp phôi giống chất lượng cho trại nấm ở nhiều địa phương khác. Hiện nay, trại nấm của Thắng đã mở rộng diện tích lên gần 1.500m², mỗi ngày cho ra lò hơn 3.000 túi phôi với 10 loại nấm khác nhau (tỷ lệ hư giảm từ 5% xuống còn 3%), lợi nhuận mỗi tháng sau khi khấu trừ chi phí đạt hơn 200 triệu đồng (gần 3 tỷ đồng/năm).
Ngoài ra, vườn nấm còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Giờ đây, có thể khẳng định Bùi Minh Thắng đã khởi nghiệp thành công. Đó là kết quả của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, nuôi dưỡng khát vọng.
Thắng bày tỏ: “Yếu tố quyết định những kết quả đạt được hôm nay của tôi chính là ý chí. Nếu ngày đó tôi sớm nản lòng, không quyết tâm, có lẽ giờ này đã trở thành con nợ lớn, sẽ là gánh nặng của gia đình. Điều này một lần nữa khẳng định chân lý “Quyết chí ắt làm nên” của Bác luôn đúng. Mong rằng mọi người, nhất là các bạn trẻ, hãy nuôi ý chí trong cuộc sống để luôn thành công trước cản ngại, gian khó”.