Thành công bắt đầu từ những cải tiến nhỏ

Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua trên địa bàn TPHCM, nhiều phong trào thi đua yêu nước được các đơn vị, doanh nghiệp phát động để gia tăng sản lượng, năng suất lao động. Những sáng kiến cải tiến, giải pháp kỹ thuật dù lớn hay nhỏ cũng đều trở thành động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. 
1. Tại Công ty TNHH Hải Hà (quận 12), nhiều năm qua, việc khuyến khích đưa ra những sáng kiến cải tiến trong công việc luôn được lãnh đạo công ty xây dựng bằng các chính sách khen thưởng thích hợp.
Với phương châm “Cải tiến nhỏ, thành công lớn”, công ty đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người lao động, trong đó điển hình là anh Bùi Thiện Khanh. 8 năm gắn bó với công ty trong vai trò Tổ trưởng Tổ bảo trì, anh Khanh đã có hơn 15 sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho đơn vị.
Giá trị mang lại từ những sáng kiến đó đã góp phần thúc đẩy năng suất, sản lượng cũng như uy tín thương hiệu của công ty được nâng lên. Trong những sáng kiến ấy, có thể kể đến việc anh đã chế tạo ra chiếc máy tiện đứng với chi phí 50 triệu đồng vào đầu năm 2018.
Đây là sáng kiến đã giúp công ty không phải mua máy mới, tiết kiệm gần 500 triệu đồng.
Thành công bắt đầu từ những cải tiến nhỏ ảnh 1 Anh Bùi Thiện Khanh và chiếc máy tiện đứng
Chia sẻ về sáng kiến của mình, anh Khanh cho biết: “Quan trọng là bản thân phải có niềm đam mê với công việc, khi có đam mê, mình sẽ dành toàn lực để làm và từ thực tế công việc sẽ nảy sinh sáng kiến”.
Anh Khanh cũng cho rằng chính sự tìm tòi, học hỏi và đúc kết lại những kiến thức hay sẽ rất hữu ích giúp các sáng kiến đi đến thành công. Để có được những suy nghĩ trên, anh Khanh chia sẻ nhờ bản thân thích đọc những câu chuyện về Bác Hồ, từng việc làm nhỏ của Bác in sâu vào tâm trí anh để có dịp lại được anh áp dụng vào thực tiễn. 
2. Vừa qua, Công ty TNHH Sanofi Việt Nam cũng đã tổ chức vinh danh người lao động có những đóng góp, sáng kiến, giải pháp hay, mang lại lợi ích cho sự phát triển bền vững của đơn vị.
Anh Trần Văn Hồ, nhân viên vận hành máy, là một trong 9 điển hình được công ty vinh danh. Trong suốt quá trình gắn bó với công ty, anh Trần Văn Hồ không chỉ hoàn thành tốt công việc được giao mà luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất, từ đó anh đã có những giải pháp, sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho công ty.
Điển hình là sáng kiến loại những viên thuốc không đạt chất lượng ra ngoài khi xảy ra sự cố trong quá trình sản xuất như mất khí nén, mất điện đột ngột. Sáng kiến này của anh khi đưa ra đã được công ty chấp nhận ngay vì có liên quan đến chất lượng của từng lô hàng sản xuất.
Cách của anh là lập đồng hồ theo dõi. Khi máy có sự cố thì sẽ tự động dừng và phát ra một âm thanh báo động để công nhân đứng máy biết mà kiểm tra kịp thời.
“Mình làm việc gì thì cũng phải cố gắng để hoàn thành thật tốt. Khi đã làm tốt việc của mình, tự khắc bản thân sẽ thấy có động lực mà phát triển tiếp. Bác Hồ có dạy dù ở vị trí nào, chỉ cần làm tốt việc của mình, đó là yêu nước”, anh Trần Văn Hồ chia sẻ.
Những sáng kiến, giải pháp được thực hiện trong các phong trào thi đua dù nhỏ hay lớn đều góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Nhất là khi nhận được sự quan tâm, đồng hành của người lao động.
Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, từ các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, thi đua yêu nước, mỗi năm công nhân viên chức lao động TP đã có hàng ngàn giải pháp, sáng kiến, giúp làm lợi cho đơn vị và cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết về công tác thi đua, đại diện Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương cũng chỉ ra rằng, để thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước thì rất cần khen thưởng và động viên kịp thời những lao động là công nhân trực tiếp sản xuất, có nhiều sáng kiến hay trong công việc. Việc động viên, khuyến khích người lao động tham gia sáng tạo và nhân rộng các điển hình tiên tiến chính là việc làm thiết thực để lan tỏa phong trào thi đua ra toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục