Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lý Sơn phối hợp Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện mô hình nuôi nhum sọ tại các khu vực có vùng nuôi thủy sản lồng bè trên biển Lý Sơn từ tháng 8-2020 với quy mô 50m2, thả 2.000 con giống trong 50 ô nuôi, bình quân 40 con/ô nuôi.
Sau 1 năm tiến hành thử nghiệm, đến nay mô hình cho kết quả rất thành công. Nhum nuôi nhanh lớn sau 10 tháng, tỷ lệ sống cao 86%, trọng lượng trung bình 115gram/con, nhum sọ nuôi thương phẩm có trứng từ tháng 6 trở lên.
Qua khảo sát Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lý Sơn cho thầy, nhum sọ thích hợp môi trường nuôi lồng bè, dễ nuôi, thích ăn tạp các loại rong mơ.
Tại huyện đảo Lý Sơn, nhum sọ trở thành đặc sản phục vụ ẩm thực, giá nhum sọ hiện nay khoảng 30.000 – 40.000 đồng/con. Nguồn lợi nhum sọ mang lại đã khiến việc khai thác xảy ra ào ạt.
Qua đánh giá sơ bộ, sản lượng nhum sọ tại Quảng Ngãi rất thưa và có khả năng mất dần. Do vậy, mô hình thử nghiệm nuôi nhum sọ vừa phục vụ nhu cầu của người dân vừa khôi phục, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn phối hợp với Viện Hải dương học xây dựng đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nhum biển ở tỉnh Quảng Ngãi” nhằm xây dựng giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nhằm bảo vệ nguồn lợi và đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biển ở tỉnh Quảng Ngãi.
Kết quả điều tra, nhum sọ ở vùng biển Quảng Ngãi phân bố chủ yếu ven đảo và ven bờ, có độ sâu từ 20m nước trở vào bờ, ở những vùng có rong, cỏ biển và các rạn san hô, rạn đá.
Nhóm nhum sọ có kích thước lớn hơn 90mm bắt gặp trong tự nhiên không cao chỉ chiếm 6,1%, điều này cho thấy nhóm nhum sọ có kích thước lớn đang ngày càng khan hiếm.
Mô hình nuôi nhum sọ góp phần đa dạng hoá các đối tượng nuôi trồng thủy sản nước mặn trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung.
Mô hình sẽ chuyển đổi ngành nghề cho một số hộ khai thác hải sản ven bờ sang nuôi trồng thủy sản cũng như góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, đẩy mạnh nghề nuôi trồng thủy sản có hiệu quả và bền vững.