Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Đây là sản phẩm nông sản thứ hai của Việt Nam được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, sau vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang.

Tối 7-10, Thông tin từ Bộ KH-CN cho biết, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, ngày 7-10, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Đây là sản phẩm nông sản thứ hai của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Theo Bộ KH-CN, việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand…). Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ (SHTT), vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản.

Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản ảnh 1 Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận do Nhật Bản cấp. Ảnh: MOST
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH-CN) cho biết, câu chuyện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản là một câu chuyện dài và thú vị; giúp Cục SHTT thu nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác hỗ trợ các đặc sản địa phương của Việt Nam vươn ra thế giới.
Đây được xem là một hoạt động mà Cục SHTT đang và sẽ tiếp tục nỗ lực để làm. Qua đó, giúp cho các đặc sản vùng miền gắn tên với các địa danh của Việt Nam được bảo hộ bằng một cơ chế bảo hộ tương đối mạnh, bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Quả thanh long Bình Thuận đã được Cục SHTT đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15-11-2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT, và ngày 8-7-2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.
Cũng giống như vải thiều Lục Ngạn, Cục SHTT đã huy động nhiều lực lượng, ở nhiều mặt trận để góp phần đem lại thành công cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận ở Nhật Bản. Vốn nổi tiếng là một thị trường “khó tính”, cùng những quy định pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý rất khắt khe, việc đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận tại Nhật Bản vô cùng phức tạp.
Vì vậy, để có thể vượt qua các khó khăn, Cục SHTT đã thực hiện việc hỗ trợ qua hai con đường: hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật Nhật Bản và tăng cường tác động chính trị để đẩy nhanh quá trình đến kết quả cuối cùng.
Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản ảnh 2 Thu hoạch thanh long ở Bình Thuận. Ảnh: MOST
Cũng theo Cục SHTT, trước mắt, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long, thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” để nâng cao uy tín, giá trị cho thanh long Bình Thuận.
Đồng thời, tổ chức các hội thảo tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, doanh nghiệp thanh long về sản xuất, sơ chế, đóng gói thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; Liên kết, hợp tác các cơ quan chuyên ngành đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; Tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng trồng thanh long, xây dựng vùng chuyên canh thanh long theo hướng VietGA; Tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất - tiêu thụ thanh long theo chuỗi giá trị; Tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ quả thanh long; Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm thanh long; Hỗ trợ phát triển mở rộng thị trường...

Tin cùng chuyên mục