
Trong khi cả nước và thủ đô đang chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, những công bố mới về việc xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng càng làm nức lòng người dân thủ đô. Nhiều người kỳ vọng, thủ đô của chúng ta sẽ to, đẹp và hiện đại không kém thủ đô của nhiều nước trên thế giới.
Sẽ có kỳ tích sông Hồng
Sông Hồng được coi là con sông có giá trị rất lớn trong việc hình thành, phát triển Thăng Long - Hà Nội trong suốt một thiên niên kỷ qua. Sông Hồng với cây cầu lịch sử Long Biên đã ghi những dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm khảm quân dân Hà Nội về những ngày chiến đấu bảo vệ thủ đô. Bãi giữa và bờ đê sông vẫn là nơi dung nạp, là cuộc sống của hàng ngàn người dân lao động trôi dạt về từ tứ xứ. Bác Trần Tâm, cư dân của bãi Phúc Xá (quận Hoàn Kiếm), cho biết: “Dọc bờ đê sông Hồng có rất nhiều xóm lao động nhỏ, sống bằng nghề chài lưới trên sông, trồng cấy ngoài bãi hay làm cửu vạn trên bến chợ.
Cuộc sống cứ lam lũ như vậy hàng chục năm nay”. Dù trị thủy sông Hồng đã giúp cải thiện rất nhiều vấn đề lụt lội, nhiều nhà cao tầng đã mọc lên ngoài đê, những khu phố cũng đang ngày một sầm uất nhưng ấn tượng điển hình về khu dân cư bên bờ sông Hồng cho đến nay vẫn là các khu nhà ổ chuột lụp xụp, mất vệ sinh. Chính vì vậy mà một thành phố hai bên bờ sông thật là một viễn cảnh tươi sáng đến mức khó hình dung.

Bờ sông Hồng mai đây sẽ là thành phố hiện đại. Ảnh: N. ANH
“Sẽ có kỳ tích bên bờ sông Hồng”, đó là lời khẳng định của ông Ha See Yong (Hàn Quốc), Tổ trưởng Tổ Dự án sông Hồng, khi so sánh Dự án thành phố hai bên bờ sông Hồng với Dự án sông Hàn mà Hàn Quốc đã thực hiện thành công từ những năm 70 của thế kỷ trước. Quy mô dự án này đã làm nhiều người dân Hà Nội cảm thấy choáng ngợp.
Nhiều người vẫn chưa thể hình dung nổi thành phố hai bên bờ sông sẽ làm thay đổi bộ mặt của thủ đô Hà Nội như thế nào. Với tổng chiều dài 40km, phạm vi dự án đã tạo ra quỹ đất đô thị mới, diện tích 1.505,5ha, trong đó có trên 800ha đất nhà ở, hình thành 6 khu vực cư trú, đáp ứng nơi ở cho trên 314 ngàn người. Đất cho công trình công cộng có khoảng 3.000ha để xây dựng công viên cây xanh, khu vực vui chơi giải trí, khu bảo tồn văn hóa; đường đê mới, khu vận chuyển hàng hóa, khu phức hợp...
Dự tính, kinh phí thực hiện dự án lên đến 1,6 tỷ USD. Dự án này sẽ thực hiện trong 12 năm, hoàn thành vào năm 2020. Để thực hiện, dự án phải giải quyết 2 vấn đề lớn là giải phóng mặt bằng, di dời khoảng gần 180 ngàn dân đang sinh sống và huy động nguồn tài chính thực hiện. Cho đến nay, dự án này đã nhận được sự đồng thuận của các cấp chính quyền thành phố và đang bước vào giai đoạn tổng hợp đề xuất kết quả cuối cùng.
Phải giữ được nét duyên riêng của thủ đô
Được biết, Dự án thành phố hai bên bờ sông sắp tới sẽ được tổ chức triển lãm tại số 45 Tràng Tiền để đông đảo người dân được tham gia góp ý kiến. Một thành phố hiện đại thực sự là niềm mơ ước đối với những cư dân trẻ tuổi của thủ đô Hà Nội. Chị Thu Hiền, số 1 Tràng Thi (Q. Hoàn Kiếm), cho biết: “Tôi có may mắn là được đi thăm và đã từng choáng ngợp bởi vẻ đẹp của thủ đô nhiều nước. Tôi rất mừng khi Dự án thành phố hai bên bờ sông được công bố.
Tôi chỉ mong Hà Nội của chúng ta sẽ được xây dựng hiện đại hơn nữa, không thua kém gì thủ đô của các nước phát triển”. Tuy vậy, cũng có những ý kiến cho rằng, điều quan trọng là thực hiện dự án này như thế nào để Hà Nội vẫn giữ được nét duyên riêng của một thủ đô ngàn năm văn hiến. Theo bác Trịnh Hào, 67 tuổi (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm): “Hà Nội không thể giống bất cứ một thành phố nào trên thế giới, vì vậy thành phố hai bên bờ sông cũng phải kiến trúc sao cho có nét đặc trưng riêng, thể hiện được bề dày văn hóa lịch sử của thủ đô”.
Còn với người dân lao động sống hai bên bờ sông Hồng, dự án này nếu được triển khai sẽ có tác động trực tiếp đến cuộc sống của họ. Hàng vạn hộ dân sẽ bị tạm di dời, trong đó nhiều người chưa biết mình sống ra sao nếu không làm những công việc quen thuộc như cấy trồng trên bãi giữa. Chắc chắn việc đền bù, giải phóng mặt bằng đảm bảo cuộc sống cho khoảng 180 ngàn dân sẽ là một phần quan trọng của dự án và là bài toán khó của các cấp chính quyền thành phố.
Tuy nhiên, dự án này thành hiện thực là thể hiện khả năng và ý chí của người dân Việt Nam nói chung, người dân Hà Nội nói riêng trong quyết tâm xây dựng thủ đô. Bác Trịnh Hào nói: “Tôi rất hy vọng được sống đến lúc nhìn thấy con cháu mình trở thành cư dân của thành phố mới”.
NGUYỆT ANH