Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng đến trung tâm tài chính - dịch vụ đa chức năng

PHÓNG VIÊN:
Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng đến trung tâm tài chính - dịch vụ đa chức năng

LTS: Viện Kinh tế TPHCM được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020. Phóng viên báo Đầu tư Tài chính đã trao đổi với Tiến sĩ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố (ảnh) về vấn đề kinh tế TPHCM với tầm nhìn đến năm 2020. Ông Lịch cho biết:

Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng đến trung tâm tài chính - dịch vụ đa chức năng ảnh 1

Trong 15 năm 1991-2005, kinh tế TPHCM tăng trưởng bình quân 11,2%/năm, đưa quy mô kinh tế tăng gấp 5 lần; GDP/người tăng 3,5 lần, trong điều kiện dân số tăng thêm khoảng 1,5 triệu người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành kinh tế có hàm lượng khoa học - kỹ thuật và giá trị gia tăng cao, có tốc độ tăng trưởng gấp 1,8 lần tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành; các ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao hơn từ 1,5 – 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của cả khu vực dịch vụ.

Dự kiến trong 5 năm 2006–2010, GDP trên địa bàn TPHCM sẽ tăng trưởng bình quân 12%/năm và đến năm 2010 cơ cấu kinh tế trên địa bàn vẫn được khẳng định: dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Động thái tăng trưởng kinh tế đang diễn ra hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 20/BCT của Bộ Chính trị (năm 2002) về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM là trở thành một trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn của cả nước; từng bước có vị trí xứng đáng trong khu vực Đông Nam Á.

- PHÓNG VIÊN: -Kinh tế TPHCM những năm gần đây đạt được những thành tựu rất to lớn, nhưng vẫn còn ngổn ngang nhiều việc. Ông có thể cho biết những thách thức nào đang đặt ra trong bài toán phát triển TP trong thời gian tới?

- TS. TRẦN DU LỊCH: -Mặc dù tăng trưởng kinh tế cao sẽ tạo tiền đề vật chất để giải quyết các vấn đề về đô thị, văn hóa - xã hội nhưng mặt khác đang đặt ra cho TPHCM 3 vấn đề lớn trong bài toán phát triển cần giải quyết.

Thứ nhất, sức hút kinh tế làm tăng nhanh dân số (tăng cơ học), mỗi năm gần 200.000 người. Sự tăng nhanh dân số cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao làm cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội quá tải nghiêm trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, TPHCM có đội ngũ khoa học - kỹ thuật đông đảo, nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo lớn nhất phía Nam, nhưng đang diễn ra một nghịch lý là nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đặc biệt là nhu cầu nâng cao sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập với kinh tế khu vực và quốc tế. Hiện nay có 47% số lao động đang làm việc được đào tạo, nhưng nếu so với tính chất của các ngành kinh tế đang có yêu cầu phát triển, thì tỷ lệ trên còn rất thấp.

Thứ ba, chức năng quản lý kinh tế và quản lý một đô thị có quy mô lớn như TPHCM đang bất cập đối với chính quyền địa phương. Sự bất cập này thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực, từ điều tiết hoạt động của nền kinh tế theo định hướng quy hoạch đến trật tự đô thị; quản lý đất đai, bảo vệ môi trường v.v… Trên tất cả các lĩnh vực đều thể hiện, với mức độ khác nhau, sự yếu kém về hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước.

- TPHCM đang đứng trước những thách thức cần phải vượt qua và đã chủ trương “chủ động hội nhập và tăng tốc phát triển”, ông nhận định vấn đề này như thế nào?

-Vâng, những thách thức đối với TPHCM trong quá trình phát triển đã được phân tích khá kỹ trong kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010 và cũng đã đề ra nhiều nhóm giải pháp để khắc phục những tồn tại yếu kém trong phát triển. Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ VIII đã đề ra 5 chương trình và công trình trọng điểm, mang tính đột phá cho giai đoạn phát triển mới. Với tính năng động sáng tạo của người dân cùng với những cơ hội mở ra trong quá trình hội nhập, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng đẩy nhanh tiến trình CNH – HĐH với tầm nhìn đến năm 2020 như sau:

Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng đến trung tâm tài chính - dịch vụ đa chức năng ảnh 2

Khách hàng mua sắm tại Trung tâm thương mại Parkson, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

- Về kinh tế, lấy dịch vụ và công nghiệp giá trị gia tăng cao làm nền tảng phát triển. Cụ thể là cơ khí, điện tử - viễn thông – tin học, hóa chất (bao gồm hóa dược), tinh chế thực phẩm …; phát triển thị trường tài chính, dịch vụ cảng gắn với kho vận – logistic, thương mại (dịch vụ xuất khẩu), khoa học – công nghệ - chuyển giao, thị trường bất động sản, du lịch … Phấn đấu GDP tăng bình quân 12%/năm trong 15 năm (từ 2006 đến 2020), nhằm đưa quy mô kinh tế vào năm 2020 tăng gấp 5,5 lần so với năm 2005, GDP đầu người sẽ đạt khoảng 6.000 - 7.000 USD (quy mô dân số 10 triệu người).

- Về đô thị, xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, xanh và sạch; đô thị sông nước phù hợp với thổ nhưỡng Nam bộ. Đây sẽ là một đô thị mở, nhiều trung tâm; quy mô dân số ở mức phù hợp (khoảng 10 triệu người không kể khách vãng lai). Không gian đô thị được mở rộng thông qua kế hoạch đầu tư xây dựng các khu đô thị mới như Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn, đô thị cảng Hiệp Phước, đô thị Tây - Bắc… với các loại dịch vụ đô thị đạt chuẩn của một đô thị hiện đại.

- Về xã hội, TPHCM sẽ kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Trong đó, chú trọng vấn đề giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, lấy con người làm trung tâm phát triển. TPHCM sẽ là một trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo chất lượng cao và y tế kỹ thuật cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á; là nơi tập trung các chi nhánh, cơ sở đào tạo có uy tín của nước ngoài ở Việt Nam; là nơi thu hút người nước ngoài đến chữa bệnh tại các cơ sở y tế kỹ thuật cao.

Có thể hình dung một cách tổng quát, sau năm 2020, TPHCM phải thật sự là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương. TPHCM sẽ vươn lên trở thành một trung tâm đa chức năng, trong đó nổi bật là một trung tâm tài chính và dịch vụ cao cấp của cả nước; là một siêu đô thị đa trung tâm, với điểm nhấn là đô thị mới Thủ Thiêm và đô thị mới dọc sông Sài Gòn. TPHCM sẽ trở thành đô thị mang tầm quốc tế, gắn chặt với đời sống kinh tế thế giới thông qua vô số các mối liên kết kinh tế, là cửa ngõ giao lưu quan trọng nhất về kinh tế của Việt Nam với bên ngoài.

- Xin cám ơn ông!

Văn Minh Hoa (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục