Thành phố Hồ Chí Minh kết nối đưa hàng bình ổn vào siêu thị Tứ Sơn

Hải Hà
Thành phố Hồ Chí Minh kết nối đưa hàng bình ổn vào siêu thị Tứ Sơn

Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã chủ trì buổi gặp gỡ, kết nối giữa các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn các mặt hàng mùa khai trường với hệ thống siêu thị Tứ Sơn, tỉnh An Giang. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và An Giang nhằm hỗ trợ DN tăng cường lưu thông hàng hóa.

Phiên chợ hàng Việt do Siêu thị Tứ Sơn tổ chức vào đầu tháng 5-2015 tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan, mua sắm. Ảnh: Minh Hùng

Tại cuộc gặp, các bên đã cơ bản thống nhất cách thức mua - bán cũng như mẫu mã, chủng loại hàng hóa để có thể triển khai các đơn hàng. Siêu thị Tứ Sơn cũng sẽ ưu tiên đặt hàng từ các DN bình ổn, nhất là nhóm các mặt hàng cung ứng cho mùa khai trường như đồng phục, ba lô - cặp xách, giày, tập vở. Trước mắt, siêu thị Tứ Sơn sẽ đưa các mặt hàng này tham gia vào chương trình bán hàng lưu động “Vui hè cùng nhau nâng bước tới trường” được tổ chức luân phiên tại nhiều địa bàn của tỉnh An Giang, kể từ ngày 10-6 đến hết tháng 8-2015. Về dài hạn, siêu thị Tứ Sơn cũng sẽ bố trí gian hàng bình ổn riêng tại siêu thị để có thể trưng bày, giới thiệu hàng hóa đến người tiêu dùng An Giang, tiến đến xuất khẩu sang Campuchia. Phía siêu thị Tứ Sơn cũng yêu cầu các DN cần có chiến lược đầu tư cho thị trường nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Theo ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc siêu thị Tứ Sơn, sau khi tham gia hội nghị kết nối hàng hóa tại TPHCM từ năm 2012 đến nay, siêu thị Tứ Sơn đã tìm được nhiều đối tác mới, thông qua các hợp đồng được ký kết. Bởi lẽ, trước đây siêu thị Tứ Sơn không mua hàng trực tiếp từ DN mà thường thông qua các tổng đại lý nên giá bán sản phẩm thường cao hơn. Và để hàng hóa có tính cạnh tranh cao, hầu hết các mặt hàng đã được siêu thị Tứ Sơn thực hiện “mua đứt, bán đoạn”, tức trả tiền mặt cho các đối tác ngay sau khi mua hàng. Theo lý giải của ông Tạ Minh Sơn, An Giang là vùng kinh tế biên giới nên việc mua bán mang tính chất truyền thống như siêu thị Tứ Sơn đang thực hiện sẽ mang lại những giá trị vô hình cho DN. Theo đó, cách bán hàng tại đây cũng phải rất đặc thù vì ngoài chỉ số mua hàng cao thì chỉ số trung thành với sản phẩm của người An Giang cũng rất cao. Do vậy, DN cần có chiến lược kinh doanh bài bản, đặc biệt là giá bán tốt, hàng hóa phải chất lượng, sẽ có nhiều đất để DN tăng sản lượng. Còn nếu DN chỉ bán thông qua khuyến mãi, giảm giá sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Cùng với việc kinh doanh siêu thị, Tứ Sơn đã thành lập một ban về hàng Việt, chuyên tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa của An Giang. Doanh thu bình quân sau mỗi phiên chợ đạt mức 1 tỷ đồng. Chính nhờ chính sách giá hợp lý, sản phẩm uy tín, đảm bảo chất lượng nên giá trị đơn hàng mua từ TPHCM không ngừng gia tăng. Hiện doanh thu của siêu thị Tứ Sơn năm 2014 đạt khoảng 240 tỷ đồng, trong đó có gần 80% doanh thu từ việc bán hàng của các DN tại TPHCM.


Hải Hà

Tin cùng chuyên mục