Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng chất nông thôn mới

TPHCM chính thức triển khai đề án nâng cao chất lượng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu phấn đấu 100% (56/56 xã) thuộc 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; đạt chuẩn NTM cao hơn, bền vững hơn theo bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn TP.
Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng chất nông thôn mới

TPHCM chính thức triển khai đề án nâng cao chất lượng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu phấn đấu 100% (56/56 xã) thuộc 5 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; đạt chuẩn NTM cao hơn, bền vững hơn theo bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn TP.

Không huy động quá sức dân

Lãnh đạo TP khẳng định, xây dựng NTM không phải để đạt được danh hiệu rồi xong mà đây là một quá trình, phải phấn đấu liên tục. 5 năm qua là chặng đường đầu trong quá trình xây dựng để hoàn chỉnh mỗi tiêu chí ở mức cao nhất có thể. Xây dựng NTM là để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn, sao cho khoảng cách giữa ngoại thành và nội thị ngày càng gần lại hơn nữa (ở giai đoạn 1, 2010-2015, khoảng cách này đã được thu hẹp khá đáng kể). Nếu như trước năm 2010, thu nhập người dân ngoại thành chỉ bằng 55% nội thành thì năm 2012 tăng lên 76% và năm 2014 là 79%. 5 năm xây dựng NTM, thu nhập đầu người các huyện tăng bình quân 1,8 lần so với trước đó, trên dưới 40 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với tiêu chí chung cả nước.

Đây là kết quả từ chính sách, chủ trương của TP và sự đồng lòng, quyết tâm của người dân trong việc Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất. Mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; môi trường sinh thái được bảo vệ... Trong đó, tập trung vào phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập (trên 63 triệu đồng/người/năm trở lên); giảm nghèo bền vững, dựa trên nhiều tiêu chí khác ngoài thu nhập như khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế, đào tạo…; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo hướng tập trung quy hoạch khu dân cư nông thôn gắn với cảnh quan môi trường. 

Nuôi heo có chuồng và hầm biogas đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2 tại một nhà dân ở huyện Hóc Môn Ảnh: cao Thăng

Giai đoạn 2016-2020, TPHCM sẽ đầu tư hơn 40.600 tỷ đồng để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM vùng nông thôn ngoại thành. Trong đó, 40,3% là vốn ngân sách với trên 16.300 tỷ đồng, còn lại là vốn từ cộng đồng, doanh nghiệp, tín dụng. Ước tính mỗi xã sẽ được đầu tư khoảng 726 tỷ đồng trong việc nâng chất NTM. Tuy nhiên, đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, Phó Trưởng ban Chỉ đạo của Thành ủy về chương trình xây dựng NTM, cho rằng dù gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, nhưng TP xác định không huy động quá sức dân trong việc xây dựng NTM. Cần làm mạnh hơn, quyết liệt hơn, không bàn lui, đồng thời không được chủ quan. Nếu thực hiện tốt sẽ làm chuyển biến rõ nét hơn nữa bộ mặt nông thôn trong thời gian tới.

Khai thác lợi thế  

Bài toán đặt ra cho các huyện là làm thế nào để nâng cao thu nhập người dân, khi mà những cố gắng thời gian qua gần như đã ở ngưỡng, như lo lắng của Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Trần Hòa An khi Đoàn đại biểu Quốc hội làm việc với huyện trước đó. Điều băn khoăn này đã được hóa giải khi các đại biểu cho rằng, việc sản xuất phải được tổ chức lại, tiến tới việc xây dựng theo chuỗi giá trị, hạn chế việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thông qua việc liên kết, hợp tác giữa nông dân với nông dân hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã, hay giữa nông dân với doanh nghiệp để đưa các tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào sản xuất. Có như vậy mới có thể nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiến tới việc xây dựng thương hiệu. Bên cạnh sự tự vượt lên của mỗi huyện, cần chủ trương và chính sách cụ thể của TP từng giai đoạn để tạo động lực cho người dân thích ứng và phát triển sản xuất. Điều quan trọng là làm sao thu hút được nhà đầu tư về nông thôn nhiều hơn.

Đặc điểm nông thôn TP là đất không rộng nhưng dân số lại đông (hơn 1 triệu người, tương đương dân số 1 tỉnh trung bình cả nước - PV); TP có lợi thế hơn nhiều địa phương khác khi có nhiều viện, trường và đội ngũ khoa học nên có điều kiện trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, vận chuyển. TPHCM còn là đầu mối giao lưu, xuất nhập khẩu… Vì vậy, cần phải biết khai thác những lợi thế này trong quá trình khi thực hiện. Đó là phát biểu của đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo của Thành ủy về chương trình xây dựng NTM, nhấn mạnh tại hội nghị triển khai đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 mới đây.

Để làm được điều này, phải có mô hình và phương thức sản xuất phù hợp. Chủ trương và chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất cho các hộ sản xuất cá thể thời gian đã phát huy tác dụng, nhưng thời gian tới cần chú trọng vào các mô hình tập trung, quy mô hơn như hợp tác xã, tổ hợp tác... Việc xây dựng NTM 5 năm qua có nhiều bài học, các địa phương và sở ngành cần rút ra những kinh nghiệm khi tham gia triển khai giai đoạn 2. Hơn nữa, việc triển khai xây dựng NTM phải dựa trên những điều kiện đặc thù từng địa phương, phân loại từng xã, ấp một cách cụ thể để phát triển sản xuất dựa trên những đặc điểm riêng, từ đó xây dựng các sản phẩm chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân một cách bền vững.

Chẳng hạn như huyện Củ Chi là vùng đệm sinh thái của TP, nên phát triển các mô hình phù hợp nông nghiệp đô thị như hoa, cây kiểng, cá cảnh và gắn với phát triển du lịch sinh thái, nhất là ven sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, Củ Chi cần quy hoạch lại việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, gắn với làng nghề nhưng tạo ra sản phẩm giá trị hơn cao phục vụ du lịch. Kết nối giao thông với các khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư. Nhưng điều quan trọng là phải giữ cho được môi trường, không ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch cũng như cuộc sống người dân.

Đồng chí Tất Thành Cang nhấn mạnh, người đứng đầu 5 huyện (bí thư, chủ tịch) cùng người đứng đầu các sở ngành cùng phải quan tâm, tập trung chỉ đạo để triển khai và cần có sự chuyển động đồng bộ cả hệ thống chính trị khi vào cuộc. Việc xây dựng NTM giai đoạn này không chỉ biết khai thác hết các cơ sở hạ tầng đã có mà đòi hỏi có cách làm phù hợp, bộ máy chuyên nghiệp, nắm sát thực tế.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục