Tăng kết nối cung cầu, khai thác thị trường nội địa
Sau đợt giãn cách xã hội từ ngày 1 đến 15-4 để phòng chống dịch Covid-19 thành công, lập tức ngày 5-5, UBND TPHCM đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020”, dưới dự chủ trì của lãnh đạo thành phố, các đại diện sở ngành, viện nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, các hiệp hội ngành nghề, các DN chủ lực cùng thảo luận, đề ra các giải pháp vừa giữ vững thành quả của công tác phòng chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế.
Xác định lực lượng DN là trụ cột, là động lực phát triển của nền kinh tế, TPHCM đã triển khai tổng lực hàng loạt chương trình để hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho các DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, TPHCM tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc trực tiếp với hầu hết các hội ngành nghề, DN nhiều lĩnh vực để lắng nghe, tổng hợp, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về các chính sách tiếp tục hỗ trợ DN, người lao động, thị trường, tín dụng. Trong đó, vấn đề quan trọng không chỉ là cung cấp thêm tín dụng cho DN đang hoạt động, mà cần khoanh nợ cho các DN bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch. Mặt khác, TPHCM tiếp tục đồng hành cùng DN ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, khai thác tốt hơn thị trường trong nước, tổ chức kết nối cung cầu, kết nối sản xuất với các kênh tiêu thụ TPHCM, đồng thời triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư công, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Chỉ trong 2 tháng 6 và 7, TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ để kích cầu tiêu dùng nội địa, đơn cử như chương trình “60 ngày vàng khuyến mãi” với sự tham gia của nhiều DN thực hiện khuyến mãi giảm giá, tặng quà để thu hút khách. Kết quả, có 1.242 DN đăng ký 1.745 chương trình với tổng giá trị khuyến mãi hơn 146 tỷ đồng. Cũng trong tháng 7, UBND TPHCM khai mạc chương trình “Kích cầu tiêu dùng năm 2020” theo hình thức hội chợ kết nối với DN sản xuất và phân phối, hội thảo quy mô 650 gian hàng với 486 DN đến từ 29 tỉnh, thành cả nước, trưng bày và giới thiệu hàng ngàn đặc sản, sản phẩm chủ lực của nhiều vùng, miền. Ngoài bán hàng, các DN đã kết nối thành công với 172 biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa bên cung ứng và thu mua hàng hóa.
Từ ngày 24-9 đến 27-9, Sở Công thương TPHCM tiếp tục tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa năm 2020 với sự tham gia của hơn 1.000 DN từ 43 tỉnh, thành. Tại đây, các DN TPHCM và các tỉnh thành đã ký kết 595 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ hàng hóa.
Hiện tại, nhiều hoạt động hỗ trợ DN của thành phố đang được thực hiện trực tuyến. Điển hình như Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) kết nối trực tuyến nhiều chương trình với chủ đề khác nhau, tạo thêm “sân chơi” cho DN thông qua các group viber và website của đơn vị, như: kết nối các DN trong lĩnh vực y tế và dược phẩm; kết nối DN xuất nhập khẩu; kết nối DN lương thực - thực phẩm, thông báo các sự kiện quan trọng để DN theo dõi và tham gia trực tuyến... Thế mạnh của các group là DN nào có nhu cầu mua hàng (nguyên liệu) sẽ thông báo và lập tức tìm được đối tác, tương tự, DN cần chào bán gì có thể rao thoải mái. Cách làm này cũng kích thích DN chuyển đổi số trong tiếp cận thị trường thế giới, thúc đẩy thế giới nhanh chóng “phẳng” hơn trong tiến trình hội nhập.
Với những nỗ lực nêu trên, kinh tế thành phố 9 tháng đầu năm dù chưa lấy lại được đà tăng trưởng cao, GRDP chỉ tăng 0,77% nhưng đã xuất hiện một số điểm sáng; trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,9% so với cùng kỳ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có dấu hiệu phục hồi nhanh, nếu quý 2-2020 giảm 11,5% thì quý 3-2020 chỉ giảm 0,1%. Các loại hình kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi số của thành phố.
Doanh nghiệp cần tích cực hiến kế
Ông Trần Trí Dũng, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM cho biết, từ nay đến cuối năm, sở sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa ngân hàng và DN, giúp DN có cơ hội vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, để tạo động lực luân chuyển hàng hóa, giải phóng hàng tồn, thu hồi vốn cho tái sản xuất, sở sẽ tổ chức các hội chợ xúc tiến tiêu dùng, khuyến mãi, triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các hội nghị hội thảo giải đáp về các hiệp định mới ký kết, từ đó giúp DN tận dụng tốt cơ hội, gia tăng xuất khẩu hàng hóa.
Nhằm duy trì sức mua trong tình hình khó khăn hiện nay, các hệ thống phân phối hiện đại tại thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, đồng thời kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ giao hàng. Sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp các DN cải thiện được doanh thu, kéo người tiêu dùng trở lại.
Tại tọa đàm Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tổ chức ngày 3-10 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, TPHCM đã cơ bản trở lại nhịp sống bình thường mới. Đây là thành quả rất to lớn, là công sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố. Nhưng mặt trái của cuộc chiến phòng chống dịch đã tác động nặng nề đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội thành phố, trong đó, đợt dịch bệnh lần 2 đã làm kinh tế thành phố quay lại vòng khó khăn khi vừa chớm hồi phục. Trong bối cảnh đó, vẫn có hơn 6.000 DN hoạt động trở lại, hơn 30.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 696.000 tỷ đồng, trong đó có 579 DN có số vốn đăng ký mỗi DN trên 100 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, sắp tới lãnh đạo thành phố tổ chức các buổi làm việc với từng hiệp hội ngành nghề, để lắng nghe ý kiến, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN. Ngược lại, DN cần tích cực hiến kế cho thành phố và Trung ương trong việc ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, cũng như hỗ trợ DN tốt hơn trong điều kiện bình thường mới.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ cũng cho rằng, kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng vẫn có những nhân tố mang tính thời cơ của thời kỳ “hậu Covid-19”. Những gì nước ta đã làm để chống dịch và bảo vệ sinh mạng người dân sẽ góp phần làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch… với các nhà đầu tư nước ngoài. Với DN trong nước, cần cơ cấu lại thị trường đầu vào lẫn đầu ra để tránh rủi ro, phải tham gia vào chuỗi giá trị mới có thể tồn tại và phát triển.