Sở Công thương TPHCM vừa hoàn chỉnh kế hoạch triển khai Dự án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2014. Mục đích của dự án này nhằm góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từng bước nâng cao nhận thức của tiểu thương, người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm. Đây cũng là quyền lợi thiết thực của tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Sẽ công bố mô hình vào tháng 6-2014
Ngày 7-3-2013, UBND TPHCM đã phê duyệt đề cương xây dựng Dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến ngày 12-3-2013, UBND TP chính thức cho phép triển khai thí điểm mô hình này tại TPHCM. Ngay sau đó, Sở Công thương TP phối hợp với các sở, ngành chức năng cùng các quận, huyện tiến hành nhiều cuộc họp để chọn ra các chợ thực hiện thí điểm. Kết quả, các bên đã thống nhất chọn ra 2 chợ để thực hiện là chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Cụ thể, tại chợ Bến Thành, Sở Công thương TP đã bàn bạc với Ban quản lý chợ thống nhất chọn ngành hàng thịt gia súc, thịt gia cầm (gồm 32 hộ kinh doanh); rau củ quả (46 hộ) và ngành hàng ăn uống (85 hộ) để triển khai thí điểm. Tại chợ Hóc Môn chọn 2 ngành hàng để thực hiện là ngành hàng thịt gia súc (gồm 87 hộ kinh doanh) và rau củ quả (chọn 16 hộ thuộc khu E trong tổng số 225 hộ đang kinh doanh mặt hàng rau củ quả).
Theo kế hoạch, tháng 4-2014 vừa qua, các sở, ngành và UBND các quận, huyện đã tiến hành khảo sát đánh giá chi tiết thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị trực tiếp sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại chợ thí điểm. Tập trung hoàn thiện bản thiết kế mô hình và xây dựng phương án thi công phù hợp với hiện trạng và tiêu chí đưa ra trong mô hình, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tiểu thương. Sau đó sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện bản vẽ và phương án thi công, rà soát hoàn chỉnh các hạng mục để báo cáo UBND TP, đồng thời xây dựng trình UBND TP phê duyệt thành lập tổ thực hiện dự án. Đến tháng 6-2014 sẽ tổ chức công bố mô hình và triển khai thí điểm tại chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Từ đó, tổ chức tuyên truyền mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm sâu rộng đến người tiêu dùng, tiểu thương trên địa bàn; vận động tiểu thương tham gia và người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn của mô hình.
Theo nhận định của đại diện Sở Công thương, việc triển khai mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại chợ, từng bước thực hiện văn minh thương mại, xây dựng thương hiệu chợ truyền thống, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển của TP. Qua đó, nâng cao chất lượng công tác quản lý của cơ quan ban ngành, ban quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Tiểu thương đồng lòng
Trên thực tế, theo khảo sát của PV Báo SGGP, việc chọn 2 chợ Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn để thực hiện thí điểm, đã được tiểu thương cả hai chợ đồng lòng ủng hộ. Hơn bao giờ, để tồn tại và phát triển, tiểu thương tại các chợ cũng cần phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và lấy hàng ở các cơ sở sản xuất đủ tiêu chuẩn.
Chính từ quan điểm này, ngay sau khi TP chọn làm thí điểm chợ an toàn thực phẩm, hàng chục tiểu thương ngành rau củ quả, khu E chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đã thực hiện khá tốt các tiêu chí đề ra như hàng hóa sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, các mặt hàng rau củ quả như bí, củ cải, khổ qua, cải ngọt, đậu bắp… đều được phân loại và đóng sẵn trong bao khá gọn gàng và đẹp mắt. Xét ở tiêu chí “thực phẩm có nguồn gốc” hầu hết tiểu thương đều đạt được. Chủ sạp E9, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho rằng các loại rau củ quả thường không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy để tạo uy tín cho khách hàng, hướng đến hợp tác dài hạn, họ đã đầu tư cho nhà vườn, hướng dẫn nhà vườn nên xịt thuốc lúc nào rồi mới thu hoạch. Khi đưa hàng hóa ra chợ cũng được phân loại cụ thể, có xuất xứ rõ ràng. Nhiều sạp hàng khác cũng cho biết, họ đã chủ động tìm hiểu quy định về an toàn thực phẩm, đi đăng ký sở hữu trí tuệ để có thể tự tin giao hàng cho bếp ăn tập thể, siêu thị.
|
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết: “Sở dĩ chúng tôi chọn 16 hộ trong khu E vì đây là những hộ thật sự có tiềm lực đầu tư, có ý thức cao trong việc phân phối mặt hàng rau củ quả. Mặt khác, thế mạnh của 16 hộ kinh doanh này là hàng hóa tại đây đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Do vậy ban quản lý đã mời tiểu thương đến phổ biến mô hình thí điểm, cập nhật kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, khám sức khỏe cho họ để thực hiện. Đối với 87 hộ kinh doanh ngành hàng thịt gia súc cũng tương tự như vậy”.
Theo bà Bùi Thị Thùy Duyên, Phó phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương TPHCM, sau một thời gian triển khai thử nghiệm tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, ở ngành hàng thịt gia súc, khả năng thực hiện thí điểm mô hình an toàn thực phẩm thành công là khá cao, vì hiện nay nguồn thịt về chợ đều đã thực hiện tốt công đoạn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng với mặt hàng rau củ quả thì không đơn giản vì hiện nay tỷ lệ hàng hóa truy xuất chiếm tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân chính, cho đến nay chúng ta vẫn chưa hình thành được vùng chuyên canh rau củ quả, cung ứng cho thị trường với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, cũng không dễ dàng để đưa việc kinh doanh ngành hàng rau củ quả đi vào khuôn khổ vì lâu nay tiểu thương đã quen với cách nghĩ, cách bán hàng thoải mái. Nhận thức được điều này, các sở, ngành cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai như tăng cường tuyên truyền cho tiểu thương hiểu được tầm quan trọng cũng như hiệu quả của việc thực hiện dự án. Chính vì lẽ đó, trước mắt các bên đã chọn 16 hộ kinh doanh rau củ quả khu E (trong tổng số 165 hộ kinh doanh rau củ quả) đã và đang kinh doanh các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP để thực hiện thí điểm. Nếu thành công, sẽ khuyến khích các hộ kinh doanh còn lại cùng tham gia đề án.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Dũng cũng cho rằng, việc vận động tiểu thương ghi chép nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là cả vấn đề do tiểu thương có trình độ hạn chế, sợ bị đánh thuế, ngại tốn chi phí mua pallet… Do đó, dù nhận thức rõ việc xây dựng chợ an toàn thực phẩm có lợi nhưng cách làm hiện nay cũng chỉ mới dừng lại ở khâu “vận động và thuyết phục” là chính, “mưa dầm thấm lâu” mới có thể thay đổi được suy nghĩ kiểu cũ.
TƯỜNG DÂN