Sở Công thương TPHCM đã xây dựng Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trước, trong và sau tết năm 2015. Đối tượng triển khai là các hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ lương thực, thực phẩm, các chợ truyền thống, các KCX-KCN và các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương trên địa bàn TP.
Cách thức triển khai là tổ chức treo băng rôn tuyên truyền các khẩu hiệu tại các đối tượng đơn vị nêu trên. Nội dung tuyên truyền đảm bảo ATTP thông qua hệ thống loa phát thanh sẵn có tại các đơn vị nhằm thông tin rộng rãi về công tác ATTP trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn để nắm bắt và phối hợp với cơ quan chức năng trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Sở cũng sẽ tiếp nhận, xử lý hồ sơ Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và thẩm định thực tế điều kiện đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phối hợp Bộ Công thương tổ chức khảo sát tình hình hoạt động và thực trạng an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương trên địa bàn TP.
Về công tác thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào các đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bột và các sản phẩm từ bột, dầu thực vật, bánh, mứt kẹo và các đơn vị nhập khẩu thực phẩm thuộc ngành quản lý của ngành công thương.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đi thực tế kiểm tra chất lượng, giá cả hàng tết tại một siêu thị. Ảnh: THANH HIỀN
Chi cục Quản lý thị trường TP sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và lưu thông hàng hóa trên địa bàn TP để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng hóa kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, đặc biệt đối với các sản phẩm bánh, mứt, kẹo, hạt các loại... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh... Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị chức năng tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm của các cá nhân, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh, mứt, kẹo, hạt các loại... không nhãn mác, không rõ nguồn gốc đang được bày bán trên thị trường...
UBND các quận, huyện sẽ phối hợp Chi cục Quản lý thị trường chỉ đạo ban quản lý các chợ truyền thống trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn tiểu thương ký cam kết thực hiện đúng quy định của nhà nước về hoạt động kinh doanh thực phẩm, kinh doanh hàng hóa phải có nguồn gốc, nhãn mác, hóa đơn, chứng từ… và phải chịu trách nhiệm đối với các loại sản phẩm do mình kinh doanh. Kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và thông báo cho các cơ quan chức năng đối với các hành vi vi phạm của tiểu thương, để tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Công thương sẽ triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thuộc lĩnh vực Sở quản lý theo Quyết định số 664/QĐ-SCT của Giám đốc Sở Công thương TPHCM vừa ban hành.
Thanh tra sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thuộc lĩnh vực đa ngành quản lý, kiểm tra các đơn vị tham gia Chương trình Bình ổn thị trường, dự trữ hàng tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán nhưng chưa được phân định bộ ngành quản lý; tiến hành lấy mẫu đối với các cơ sở còn vi phạm về điều kiện trong sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm nghi ngờ có sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép, hoặc trong danh mục nhưng có khả năng vượt ngưỡng cho phép. Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất.
VĂN MINH