Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) các mặt hàng sữa năm 2014 đã bước sang năm thứ 4. So với 3 năm trước, chương trình tiếp tục lớn mạnh, cả về số lượng doanh nghiệp (với 4 doanh nghiệp tham gia) và sản lượng cũng như chủng loại sữa. Đặc biệt, trong thời điểm giá sữa ngoại có nhiều biến động thì chương trình BOTT các mặt hàng sữa tại TPHCM ngày càng phát huy tác dụng, tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng.
Sữa bình ổn chiếm 48,4% nhu cầu thị trường
Theo Sở Công thương TPHCM, chương trình BOTT các mặt hàng sữa năm 2014 - 2015 tiếp tục gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm định hướng và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các mặt hàng sữa sản xuất trong nước có chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và có giá cả phù hợp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Các sản phẩm sữa trong chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, an toàn, đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe cho người tiêu dùng. Lượng sữa trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sữa cho người dân TP, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động thị trường. Cùng với 2 DN nòng cốt thực hiện bình ổn của những năm trước là Công ty Vinamilk và Công ty Nutifood, năm 2014 chương trình bình ổn đã có thêm những “gương mặt” mới, đó là Công ty Hanfoodco.
Căn cứ vào khả năng cung ứng của các DN và nhu cầu tiêu dùng từ thực tế, năm 2014, TPHCM tiếp tục bình ổn đối với 6 nhóm mặt hàng và 70 chủng loại sản phẩm sữa, tăng tới 38 chủng loại so với chương trình năm 2013. Lượng hàng hóa tham gia chương trình năm 2014 - 2015 với số lượng sữa bột 3.387,48 tấn/năm (tương ứng với mức cung ứng bình quân là 282,29 tấn/tháng), tăng 53,5% so kết quả thực hiện chương trình năm 2013 - 2014, chiếm 48,4% mức tiêu dùng của thị trường TP. Riêng sản lượng sữa nước, các DN đảm bảo sẽ cung ứng đầy đủ cho nhu cầu thị trường.
Cũng giống như những mặt hàng tham gia bình ổn của 3 chương trình khác, DN tham gia chương trình đã xây dựng và thực hiện kê khai giá với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và luôn đảm bảo tính hợp lý, ổn định và dẫn dắt thị trường. Trong trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm 5% - 10% đối với giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, DN thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường cho phù hợp với tình hình thực tế. Trường hợp thị trường có biến động do có hiện tượng nâng giá tạo khan hiếm giả tạo làm biến động thị trường, DN tham gia chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa đảm bảo chi phối thị trường theo sự điều phối của Sở Công thương.
Đưa sữa đến với người lao động
|
Tính đến thời điểm hiện nay, các DN tham gia chương trình đã phát triển 1.193 điểm bán. Bên cạnh việc cung ứng sữa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi điểm bán hàng bình ổn, các đơn vị đã có nhiều nỗ lực đưa sản phẩm sữa vào 1.563 trường học, 64 bệnh viện, 284 nhà máy xí nghiệp và 31 DN trong KCX- KCN phục vụ công nhân. Ngoài ra, các đơn vị còn tích cực tham gia các phiên chợ hàng Việt, bán hàng lưu động, chương trình đưa hàng về nông thôn. Cụ thể, Công ty Vinamilk có hệ thống 19 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và bán hàng bình ổn, đưa sản phẩm vào 727 trường học, 46 bệnh viện, 284 xí nghiệp và 31 DN KCX-KCN; Công ty Nutifood đã đưa sản phẩm sữa bình ổn vào 836 trường học và 18 điểm bán trong bệnh viện…
Trong năm 2014, các DN trong chương trình đặt mục tiêu sẽ phát triển thêm nhiều điểm bán mới, trong đó chú trọng đặc biệt đến các DN trong KCN-KCX, tạo thói quen sử dụng sữa vào các bữa xế hoặc tăng ca nhằm tăng thể chất, năng lượng cho người lao động. Cùng với đó, DN sẽ tăng độ phủ các sản phẩm bình ổn tại các kênh phân phối hiện có để tạo sự lan tỏa chung về mặt bằng giá sữa trên thị trường.
Nhằm hỗ trợ cho DN thực hiện được mục tiêu này, Sở Công thương yêu cầu các hệ thống phân phối khi tham gia bán hàng bình ổn thị trường phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN trong chương trình BOTT các mặt hàng sữa đưa hàng vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi, thực hiện chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác khi có biến động giá xảy ra nhằm ổn định thị trường. Theo đó, các sở, ngành chức năng sẽ xây dựng kế hoạch quảng bá, công bố về chất lượng sản phẩm sữa thương hiệu Việt trong chương trình đến các phụ huynh, học sinh, sinh viên, công nhân, bệnh nhân,… để người tiêu dùng hiểu và yên tâm sử dụng sản phẩm sữa sản xuất trong nước với giá cả hợp lý.
| |
HẢI HÀ
>> Sẽ kiểm soát chi phí tất cả sản phẩm sữa