Thường trực Chính phủ làm việc với TP Hà Nội

Thành phố kiến nghị cơ chế đặc thù phát triển thủ đô

Hôm qua 17-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với TP Hà Nội về tình hình thực hiện các dự án đầu tư lớn của thành phố, các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông và chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thành phố kiến nghị cơ chế đặc thù phát triển thủ đô

(SGGP).- Hôm qua 17-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với TP Hà Nội về tình hình thực hiện các dự án đầu tư lớn của thành phố, các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông và chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo kiến nghị Chính phủ cho phép Hà Nội áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù để triển khai thực hiện những dự án đầu tư lớn, nhất là các dự án hạ tầng giao thông từ nay cho tới khi Luật Thủ đô được ban hành.

Liên quan tới chống ùn tắc, TP kiến nghị Chính phủ cho phép Hà Nội nghiên cứu các giải pháp đặc thù về quản lý dân cư, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, tăng mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm, tăng biên chế, trang thiết bị cho lực lượng CSGT Hà Nội; tăng phí trước bạ, phí giữ xe...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các lãnh đạo TP Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các lãnh đạo TP Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định, Hà Nội đã có những việc làm rất tốt như giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng ở Công viên Thủ Lệ, Hồ Tây hay dừng dự án khách sạn trong Công viên Thống Nhất...

Về giao thông, Hà Nội phải làm quyết liệt mới cải thiện tình hình. Cứ nói tăng mức phạt nhưng kiểm tra, xử phạt không nghiêm thì khó có hiệu quả. Về kinh tế, Hà Nội phải nỗ lực cao nhất để mức tăng GDP đạt 10%. Nếu Hà Nội đạt mức này thì cả nước sẽ tăng GDP 6,5%. Cùng với đó, Hà Nội phải kiểm soát chặt giá cả. Lạm phát ở Hà Nội được kiềm chế thì cả nước cũng giữ được.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, quy hoạch chung xây dựng thủ đô đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét. Tuy vậy, ngay từ bây giờ, Hà Nội không thể chờ quy hoạch được duyệt mà phải vừa “trông” quy hoạch vừa triển khai sớm các dự án trọng điểm. Tháng 10-2010, Chính phủ phê duyệt quy hoạch là thành phố có thể khởi công ngay. Với các dự án mới, thành phố cần chú ý hơn tới vấn đề kiến trúc đô thị. Trước nay ta chưa mấy chú ý tới khâu này, cứ làm sao cho công trình sớm hoàn thành là tốt rồi nên chưa tạo ra được dấu ấn đặc sắc cho thủ đô.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những chuyển biến tích cực của Hà Nội trong quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu TP tập trung 3 mục tiêu trong năm nay: nỗ lực thực hiện đạt và vượt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm; chuẩn bị kỹ cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và các sự kiện quốc gia sẽ diễn ra tại Hà Nội; chỉ đạo tốt đại hội Đảng các cấp. Thủ tướng cũng chỉ đạo Hà Nội tiếp tục đảm bảo mức tăng trưởng (khoảng 10%) gắn với kiểm soát chặt chẽ lạm phát.

Thủ tướng lưu ý Hà Nội phải quan tâm tới cải cách hành chính và quản lý đô thị, khắc phục từng bước tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn với các giải pháp đồng bộ. Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của Hà Nội về tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật giao thông, tăng lệ phí trước bạ với các phương tiện giao thông cá nhân cũng như một số cơ chế đặc thù về quản lý dân cư.

Thủ tướng nói: “Nâng mức xử phạt là cần thiết. Nghị định quy định tăng mức phạt hành chính ở Hà Nội hiện nay đã được Bộ Tư pháp thẩm định và tôi sẽ ký ban hành trong ít ngày tới”. Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng ý với việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa cho Hà Nội trong các lĩnh vực để đẩy mạnh phát triển thủ đô.

Bình An

Tin cùng chuyên mục