Thành phố như thế nào được gọi là có chất lượng sống tốt?

TPHCM đang xây dựng TP có chất lượng sống tốt, nhưng trong điều kiện của TPHCM, như thế nào được gọi là có chất lượng sống tốt? Để cùng trao đổi, Báo SGGP xin giới thiệu một số tiêu chí là gợi ý của Thạc sĩ Lê Văn Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu “các TP sống tốt” và có thể ứng dụng tại TPHCM.
Thành phố như thế nào được gọi là có chất lượng sống tốt?

TPHCM đang xây dựng TP có chất lượng sống tốt, nhưng trong điều kiện của TPHCM, như thế nào được gọi là có chất lượng sống tốt? Để cùng trao đổi, Báo SGGP xin giới thiệu một số tiêu chí là gợi ý của Thạc sĩ Lê Văn Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu “các TP sống tốt” và có thể ứng dụng tại TPHCM.

Môi trường tự nhiên phải tốt

Với quan điểm của một người làm nghiên cứu, Thạc sĩ Lê Văn Thành tạm đưa ra một hệ thống tiêu chí “cứng” (core indicators) mang tính chất khung để gợi ý cho những nghiên cứu tiếp theo. Gọi là tiêu chí “cứng” vì ngoài ra còn có những tiêu chí khác có thể gọi là “mềm”, chi tiết hóa thêm tiêu chuẩn TP sống tốt. Xếp vào nhóm tiêu chí “cứng” vì vừa có tính chiến lược phải chăm lo lâu dài liên tục, vừa có tính bức xúc phải ưu tiên giải quyết ngay.

 

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, việc xây dựng bộ tiêu chí TPHCM có chất lượng sống tốt có lộ trình khoảng 1 năm với khoảng 60 tiêu chí ở tất cả các lĩnh vực, vừa có tính bao quát, vừa mang tính tiêu biểu. Hai yêu cầu chính của bộ tiêu chí là: Phải thể hiện được mục tiêu để phấn đấu, thể hiện được triết lý phát triển của TP; phải xuất phát từ thực tiễn đặc thù của TP vừa phải đặt trong sự tương thích với hệ thống đánh giá của thế giới. Xây dựng bộ tiêu chí là một quá trình công phu, cần sự góp ý, trao đổi, hiến kế của đông đảo nhân dân TP..

 

Theo Thạc sĩ Lê Văn Thành, quá trình xây dựng, phát triển TP dựa trên một hệ thống tiêu chí “cứng” bảo đảm những định hướng cơ bản về phát triển đô thị và những quyết tâm cải tạo nâng cấp, đột phá một số lĩnh vực mà nếu cứ để “tuần tự nhi tiến” thì sẽ không thể nào vượt lên, thoát khỏi hiện trạng khó khăn. Mật độ cây xanh nội thành có thể là một ví dụ. Hiện nay, mật độ cây xanh rất thấp, nếu không quyết tâm cải tạo, chuyển mục đích sử dụng một số diện tích đất cho cây xanh thì sẽ không có bước đột phá.

Các tiêu chí không thể hiện ở mặt định lượng, chỉ thể hiện dạng định tính. Những kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ căn cứ vào đó để tính toán cân đối quy mô, khối lượng phát triển và đưa ra chỉ tiêu cụ thể để hiện thực hóa các tiêu chí.

Nhóm yếu tố cơ bản đầu tiên của một TP sống tốt là môi trường tự nhiên phải tốt. Trong đó, giao thông đi lại thuận lợi, giảm dần nạn kẹt xe; phương tiện vận tải công cộng ngày càng phát triển và được người dân sử dụng nhiều; bãi đậu xe trong TP đáp ứng được nhu cầu và vỉa hè thông thoáng, dân cư đi lại thoải mái... Cùng với an toàn giao thông là an toàn vệ sinh thực phẩm, TP cần bảo đảm việc kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiêu chuẩn nước sạch phải dần được nâng lên để bảo đảm uống được, tiến dần đến 100% người dân TP được cung cấp nước sạch. Các vấn đề khác về giảm ô nhiễm, ngập nước, thu gom rác cũng cần phải có biện pháp hiệu quả.

Bên cạnh đó, xây dựng tương lai một TP lớn như TPHCM cũng rất cần tìm hiểu cho hết đặc điểm lịch sử của nó. Theo Thạc sĩ Lê Văn Thành, TP cần bảo tồn di tích di sản lịch sử, văn hóa đặc thù của TP. “Vốn” di sản văn hóa giàu có và phong phú của TPHCM cần được bảo tồn và phát triển. Không gian công cộng và các vỉa hè giúp mở rộng giao tiếp cộng đồng, nên rất cần được mở mang, tạo khoảng không gian sống tốt. Vỉa hè phải được thông thoáng, có thể kết hợp với kinh doanh nhưng phải bảo đảm trật tự.

Thi công tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, công trình sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông cho TPHCM (Ảnh: VIỆT DŨNG)

Bản thân con người phải được chăm chút, phát triển

Thạc sĩ Lê Văn Thành cho rằng các yếu tố phát triển bản thân con người là sự nâng cao trực tiếp khả năng cá nhân hay còn gọi là vốn con người. Trong đó, TP cần đào tạo nghề, hỗ trợ cho vay vốn để mọi người tự tạo được công ăn việc làm và số lượng chỗ làm việc mới được tạo ra hàng năm bảo đảm để hầu hết người dân mưu sinh ổn định. Bên cạnh việc làm, y tế, giáo dục là hai vấn đề cần được chú trọng, làm sao để mọi người tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục thuận tiện, giảm quá tải trong 2 lĩnh vực này. Chương trình giảm nghèo cần thực hiện hiệu quả để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân tầng xã hội.

Nhóm yếu tố thứ tư, bên cạnh 3 yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sống và phát triển bản thân con người, là công tác quản lý. Đây là nhóm các tiêu chí khá quan trọng, tuy không phải là 3 nội dung cấu thành “TP sống tốt”. Ở đây, cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ về hành chính để người dân ít gặp phiền hà. Người dân thường xuyên phải được đối thoại trực tiếp với chính quyền để bàn về những công việc có liên quan đến quy hoạch phát triển, quản lý và các vấn đề thiết thân của cuộc sống.

Về khía cạnh nghĩa tình, trên địa bàn TP, hoạt động tương thân, tương trợ sôi nổi, chuyên nghiệp và liên tục là một đặc điểm nổi trội của người Sài Gòn. Tinh thần nghĩa hiệp, phẩm chất hào sảng, nhân hậu, dễ mến của người dân TP được phát huy ở mọi lúc, mọi nơi, xuất phát từ đặc trưng tính cách thân thiện, dễ gần, tin tưởng và sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó khăn, bất kể đó là người quen hay người lạ của người dân TP. Những điểm nổi trội này cần được phát huy. TP cũng cần xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử trong gia đình, cộng đồng và văn hóa công sở.

3 thành tố của “sống tốt”

Giáo sư Michael Douglass, nhà nghiên cứu về đô thị, đã đưa ra khái niệm “Livability”, tạm dịch là “sống tốt”. Nó không phải chỉ là “phát triển bền vững”, một khái niệm lâu nay vẫn thường dùng phổ biến ở Việt Nam, vốn dĩ đặt nặng về vấn đề môi trường.

Việc “sống tốt”, theo GS Michael Douglass đặt ra 3 thành tố quan trọng là: 1- Môi trường tự nhiên tốt (environmental well being), thể hiện mối quan hệ tổng hòa giữa cộng đồng dân cư đô thị và môi trường tự nhiên nơi họ đang sống; 2 - Môi trường sống đô thị (urban life world) mà người dân đô thị sống, trong đó đặt nặng vấn đề quan hệ giao tiếp dân sự, những hoạt động văn hóa, hoạt động của các tổ chức

hội đoàn, các yếu tố của “vốn xã hội”; 3- Sự phát triển bản thân con người (personnel well being) trên bình diện cá nhân và khả năng tiếp cận dịch vụ và hàng hóa. Thành tố này có thể xem là những đầu tư cho “vốn con người” (human capital), bao gồm luôn cả yếu tố an toàn trong đời sống đô thị.

Ba thành tố này được đặt trong mối quan hệ với nhau, ngang bằng và không loại trừ lẫn nhau. “Sống tốt” cũng tương ứng với những lý thuyết về phát triển đô thị theo 3 mảng kinh tế, môi trường và xã hội, nhưng đặt nặng yếu tố con người hơn, xem con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển và đặt nặng vai trò quản lý để làm sao để thúc đẩy 3 thành tố trên.

VÂN ANH - ĐƯỜNG LOAN (ghi)

Tin cùng chuyên mục