Đó là khẳng định của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại buổi việc với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM về những nhiệm vụ của sở trong năm 2016, diễn ra ngày 18-8.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, hiện thành phố đang tiếp nhận và xử lý trung bình 7.500 tấn rác thải/ngày. Trong đó, 5.200 tấn rác xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước, số còn lại xử lý bằng biện pháp tái chế thành phân compost tại các công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa. Sở TN-MT cũng đang tiếp tục làm việc với nhiều nhà đầu tư để từng bước tăng cường hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải rắn cho thành phố; thực hiện mục tiêu giảm thiểu lượng rác chôn lấp, tăng lượng rác tái chế. Đối với việc xử lý nước thải đô thị, cho đến nay chỉ mới xử lý được 13%, số còn lại vẫn đang trong lộ trình thực hiện. Về những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, Sở TN-MT đã xử lý dứt điểm 21 cơ sở gây ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Riêng những cơ sở sản xuất tồn tại không phù hợp quy hoạch, Sở TN-MT đang phối hợp với các quận huyện rà soát và lên danh sách để tiến hành di dời. Một số vấn đề gây bức xúc cho người dân như thiếu nhà vệ sinh công cộng, thùng rác, Sở TN-MT đã tiến hành làm việc với các nhà đầu tư để chuẩn bị xây dựng, lắp đặt trong năm 2017.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trao đổi cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, ghi nhận những giải pháp cải thiện môi trường và giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai của Sở TN-MT thời gian qua. Tuy nhiên, theo đồng chí Tất Thành Cang, đối với đất công, vẫn còn tồn tại tình trạng định giá đất cho doanh nghiệp thuê thấp nên doanh nghiệp đã cho đơn vị thứ ba thuê lại để hưởng mức chênh lệch.. Do vậy, Sở TN-MT cần phải chủ động tham mưu xử lý vấn đề này. Riêng trong lĩnh vực môi trường, cần mạnh dạn và sáng tạo hơn trong việc đề xuất, tham mưu cho UBND TPHCM thực hiện tốt chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; cải tạo, nâng cấp hệ thống trang thiết bị thu gom, vận chuyển, chuẩn hóa quy trình thu gom rác theo phân loại tại những khu phố đã thực hiện phân loại rác tại nguồn. Để cải thiện chất lượng nước kênh rạch, Sở TN-MT phải có đề xuất mang tính đồng bộ hơn.
Đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh, Sở TN-MT phải xem lại số lượng cán bộ, công nhân viên chức là 2.000 người đã phù hợp với khối lượng công việc chưa; có bao nhiêu phần trăm số lượng cán bộ, công nhân viên chức dư thừa cần phải tinh giản biên chế. Về việc phân cấp, phân quyền, cần thực hiện mạnh hơn nữa để giảm áp lực gia tăng hồ sơ về sở cũng như giảm thiểu tình trạng quá hạn giải quyết hồ sơ cho người dân. Hiện thành phố đang nỗ lực nâng chỉ số cải cách hành chính nhằm đứng trong tốp 5 cả nước, nhưng để làm được điều này phụ thuộc rất nhiều vào công tác giải quyết hồ sơ khiếu nại của người dân và tỷ lệ phản hồi từ người dân đối với hệ thống công quyền. Đồng chí Đinh La Thăng yêu cầu Sở TN-MT rà soát lại toàn bộ quy hoạch sử dụng đất, xử lý chất thải, nguồn nước… từ đó tăng cường vai trò kiểm tra, kiểm soát trên các lĩnh vực chuyên môn. Mục tiêu của thành phố về tăng trưởng kinh tế xanh đã rõ, nhưng giải pháp thực hiện của sở chưa tương xứng, cần phải cụ thể hơn. Trong đó, nhanh chóng tổ chức đấu thầu vận chuyển, thu gom rác. Các công ty công ích về môi trường cũng chỉ là đối tượng tham gia đấu thầu vận chuyển, thu gom rác và phải tuân theo quy chuẩn chung.
Đồng chí Đinh La Thăng cũng nêu rõ, việc Sở TN-MT công khai các dự án bất động sản cầm cố ở ngân hàng là rất tốt, nên phát huy. Trong thời gian tới, Sở TN-MT cần công khai thông tin theo hướng phân loại doanh nghiệp thực hiện tốt và chưa tốt các quy định của Nhà nước để người dân chủ động trong giao dịch với doanh nghiệp, từng bước tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng lộ trình chuyển đổi các phương tiện giao thông sang sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, vì như vậy mới đạt được mục tiêu giảm thiểu khí thải cho thành phố. Vấn đề xã hội hóa đầu tư là giải pháp cần thiết áp dụng. Nếu thực hiện tốt, năm 2020 thành phố sẽ hoàn thành được chỉ tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã đặt ra trong nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TPHCM.
Trong cấp giấy tờ nhà, Giám đốc Sở TN-MT TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết đã cấp được 1.414.327 giấy chứng nhận, đạt tỷ lệ 93%. Theo thống kê của 24 quận, huyện, trên địa bàn thành phố vẫn còn 109.251 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận nhà, đất. Cụ thể: 88.665 trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định pháp luật và 20.586 trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận nhưng người dân không có nhu cầu. |
Ái Vân