Thanh toán điện tử của Việt Nam đã tiệm cận trình độ công nghệ thế giới

Ngày 13-4, Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch”. Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 2.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu khai mạc, ông Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nhấn mạnh: “Thanh toán không dùng tiền mặt là phương thức thanh toán mới, trong khi đó, đất nước ta một phần đông dân cư chưa tiếp cận công nghệ, điện thoại. Do đó, chúng tôi tổ chức tọa đàm làm rõ hiện trạng chuyển đổi số, những vấn đề đang đặt ra. Từ đó kiến nghị giải pháp để góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt”.

Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nhận định, thời gian qua, hoạt động thanh toán điện tử từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ Việt Nam đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới. Trong những năm gần đây, thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh triển khai. Một trong những giải pháp quan trọng là việc ra mắt Cổng Dịch vụ công quốc gia chính thức vào ngày 9-12-2019. Với việc nhiều nhóm dịch vụ công đến nay đã được triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử đã đem lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân, thay vì phải đến trực tiếp nộp tiền mặt để nộp các loại thuế, phí.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc NAPAS, hiện tại, NAPAS đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới 48 địa phương, 15 đơn vị là các bộ/cục/cơ quan cung cấp dịch vụ công để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho 5 nhóm dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục mở rộng triển khai thanh toán nhiều dịch vụ như học phí, viện phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia, từ đó nhân rộng mô hình trên nhiều kênh thanh toán khác.

Tin cùng chuyên mục