Thanh Tùng ngoảnh nhìn lại cây sầu riêng trổ bông

Thanh Tùng ngoảnh nhìn lại cây sầu riêng trổ bông

20 giờ ngày 27-6-2009, đêm nhạc “Thanh Tùng – Câu chuyện nhỏ của tôi” diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. 17 ca khúc được biểu diễn giúp công chúng hình dung lại hành trình sáng tác của nhạc sĩ Thanh Tùng (ảnh) khởi đi từ bài hát “Cây sầu riêng trổ bông” viết cho vở cải lương cùng tên!

Đến bây giờ có thể không mấy người còn thuộc bài hát “Cây sầu riêng trổ bông”, nhưng không có giai điệu đầu tiên ấy thì chưa chắc hôm nay công chúng có được một nhạc sĩ Thanh Tùng của những bản tình ca mê đắm.

Thanh Tùng từng được đào tạo chỉ huy dàn nhạc tại Nhạc viện Bình Nhưỡng – Triều Tiên, sau đó về làm đúng ngành học tại Đài tiếng nói Việt Nam suốt 5 năm. Sau khi đất nước giải phóng, Thanh Tùng chuyển vào Sài Gòn sinh sống và lập nghiệp. Có thể những tiết tấu, những ca từ đã ấp ủ trong lòng Thanh Tùng từ lâu lắm rồi, nhưng chính nắng gió phương Nam đã đánh thức để có “Cây sầu riêng trổ bông”.

Thanh Tùng ngoảnh nhìn lại cây sầu riêng trổ bông ảnh 1

Hơn 30 năm đã trôi qua, có lẽ người hát “Cây sầu riêng trổ bông” nhiều lần nhất là ca sĩ Ngọc Tân. Bây giờ chẳng thấy ai ngân nga nó nữa, nhưng với nhạc sĩ Thanh Tùng, đó là một kỷ niệm và đó cũng là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc.

Năm ngoái, nhạc sĩ Thanh Tùng ra Hà Nội với hy vọng tổ chức một đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của mình vào tháng 9, nhưng ông bị đột quỵ phải nhập viện điều trị dài ngày. Nhạc sĩ Thanh Tùng bị tiểu đường và bị cao huyết áp đã lâu, nhưng ông không bỏ được rượu và thuốc lá, do vậy sức khỏe của ông khá “ọp ẹp” như chính ông thú nhận.

Đêm nhạc “Thanh Tùng – Câu chuyện nhỏ của tôi” cũng vắng bóng ông, vì thực trạng bệnh tình của ông chỉ loay hoay trong căn nhà lặng lẽ. Thanh Tùng thường tếu táo rằng, bản thân sinh ra với một vì sao cô đơn và đã quen với cô đơn, nhưng sự quạnh quẽ hiện tại vẫn khiến ông thảng thốt. Có những buổi chiều trống vắng, ông ngồi trên xe lăn trông ra cửa, thèm khát một bóng dáng bạn bè, mà chỉ nghe còi xe ồn ã của phố xá hắt ngược lại như một nỗi buồn tủi “đa bệnh cố nhân sơ”.

Nhạc sĩ Thanh Tùng có một khuôn mặt rất khó đoán tuổi. Từ năm ông ngoài 40, đã thấy ông có vẻ già. Còn lúc ông qua 60 lại thấy ông không khác gì chục năm trước. Ông rất biết cách pha trò, chỗ nào có ông cũng rộn rã, nhưng ánh mắt của ông lúc nào cũng hiu hắt. Có một điều gì đó như mất mát, như rạn vỡ, như chia lìa… cứ cồn cào ẩn hiện trong ánh mắt ông.

Nhiều lần ngồi nhìn nhạc sĩ Thanh Tùng tư lự, tôi đã nhận thấy như vậy, và tôi tin cảm giác của mình. Dường như ông đã giấu nỗi hoang mang của ông vào những bài hát vẫn viết bằng giọng trưởng trong sáng và trẻ trung. Dường như âm nhạc của ông vui giùm ông những ngày vui ông không đến được. Dường như âm nhạc của ông hân hoan giùm ông những nỗi hân hoan ông chưa gặp được.

Tôi không thể nào hình dung được, nếu gạt âm nhạc sang một bên, tâm hồn Thanh Tùng còn lại những gì? Phải chăng chỉ là những u hoài bất tận? Cái giọng trưởng của âm nhạc Thanh Tùng rạng rỡ đấy, mà chấp chới đấy, mà xót xa đấy: “Xin em hãy về, hát riêng cho tôi nghe. Để cơn gió chiều xanh ngát những hàng me”.

Nhạc sĩ Thanh Tùng là một người thành đạt và giàu có. Tuy vài lần ông kinh doanh nhà hàng không như ý, nhưng ông lại có duyên với lĩnh vực địa ốc. Giới buôn bán đất đai vẫn truyền tụng nhiều câu chuyện “ly kỳ” về Thanh Tùng. Có miếng đất ông vừa mua tuần trước, thì tuần sau có lãi ngay khi chuyển nhượng lại cho người khác. Thanh Tùng nổi tiếng và có một lượng tài sản không nhỏ.

Những ngày ông còn rong ruổi, lúc nào cũng có một mỹ nhân bên cạnh. Người đẹp đi với Thanh Tùng không phải á hậu thì cũng hoa khôi hoặc người mẫu. Những bóng hồng đi qua đời Thanh Tùng có thể chính ông cũng không nhớ hết, vì ông thổ lộ rằng, ông chưa bao giờ viết một bản tình ca cho riêng người tình nào, mỗi bài hát dung hòa mái tóc người này, nét cười người kia, giọng nói người nọ.

Thanh Tùng chỉ chắc chắn bài hát “Một mình” thì ông viết cho người vợ quá cố. Vì vậy, khi ông đau ốm bệnh tật phải nhờ ba người con chăm sóc. Hai người con trai và một người con gái cũng rất thấu hiểu người cha đa tài và đa mang của họ, nên họ khuyến khích ông yêu đương và an ủi ông ốm yếu. Sự thật ấy không mấy dễ chịu, nhưng Thanh Tùng chấp nhận như một lẽ đời run rủi: “Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên. Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên. Bao đêm tôi đã một mình nhớ em. Đêm nay tôi lại một mình…”.

Từ bài hát đầu tiên “Cây sầu riêng trổ bông” đến bài hát mới nhất “Chuyện cổ Nghi Tàm”, chưa ai thống kê đầy đủ Thanh Tùng đã sáng tác bao nhiêu ca khúc. Chỉ biết rằng, đâu đây vẫn còn vang lên “Hát với chú ve con”, “Hoàng hôn màu lá”, “Chuyện tình của biển”, “Lời tỏ tình mùa xuân”, “Mưa ngâu”, “Hoa tím ngoài sân”, “Lối cũ ta về”…

Khác với buồn đau riêng tư, giọng trưởng trong âm nhạc Thanh Tùng luôn biết cách ca ngợi sức sống và tha thứ lỗi lầm: “Khi thấy buồn em cứ đến chơi. Chim vẫn hót sau vườn đấy thôi. Chỉ có trong tôi, ngày đã sang đêm lâu rồi. Bài hát cho em, giờ đã hát cho mọi người, để rồi lãng quên”.

Sẽ là vội vàng, nếu ngay hôm nay chúng ta nói về sự vĩnh cửu may mắn nào đó cho bất kỳ ca khúc nào của Thanh Tùng. Vậy mà ngồi nghe chính Thanh Tùng hát âm u: “Ngày xưa có một ngôi làng, bên bờ hồ Tây, tên là Nghi Tàm…, Tuổi xanh dành cho đất nước, tuổi hồng dành cho nhau… Ngày nay có một con đường, con đường thênh thang, tên là Nghi Tàm…”, thì tôi bỗng hiểu, ít nhất âm nhạc cũng đã giúp Thanh Tùng đến với cuộc đời này, gắn bó với cuộc đời này và mến thương cuộc đời này!

TUY HÒA

Tin cùng chuyên mục