
“33 năm qua, kể từ ngày thống nhất đất nước năm 1975, tuy có lúc phải trải qua những thăng trầm, đầy cam go nhưng những thành tựu đạt được của TPHCM là rất cơ bản và toàn diện; việc giữ vững ổn định chính trị của TPHCM góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định của đất nước” - Đồng chí Lê Hoàng Quân (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ suy nghĩ của mình nhân kỷ niệm 33 năm giải phóng thành phố (30-4-1975 – 30-4-2008).
Nơi xuất phát ý tưởng sáng tạo, phong cách làm việc năng động
- Phóng viên: Nhớ lại ngày này cách đây 33 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, hẳn là đồng chí có bao kỷ niệm và nhiều điều muốn tâm sự về ngày lịch sử trọng đại của dân tộc?
Đồng chí LÊ HOÀNG QUÂN: Dù đã trải qua 33 năm đất nước hòa bình thống nhất, nhưng với thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau thì thời khắc thiêng liêng 30-4-1975 vẫn hiển hiện nóng hổi, thôi thúc và xao xuyến lòng người. Ngày ấy mãi mãi trở thành biểu tượng rực rỡ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của nhân dân ta - một trong những trang chói lọi nhất, có tính chất thời đại sâu sắc trong lịch sử dân tộc ta.
Trong thắng lợi chung đó có sự hy sinh đóng góp to lớn của các thế hệ, của những người con cả nước, trong đó có thành phố Sài Gòn - nay là thành phố Hồ Chí Minh. Trải qua 33 năm, chúng ta tự hào đã kế thừa và tiếp tục phát huy truyền thống cha anh, xây dựng TPHCM năng động và phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
- Đồng chí có thể nói rõ hơn về những bứt phá trong 33 năm để hiện nay TPHCM là một đầu tàu về kinh tế của đất nước?
Có thể nói, 33 năm qua là thời kỳ lịch sử đan xen những thuận lợi và khó khăn đối với TPHCM. Những nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn luôn mới mẻ, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, đầy gian nan và phức tạp.
Mười năm đầu sau giải phóng là thời kỳ đặc biệt trong quá trình ổn định, khôi phục, xây dựng và bảo vệ TP; phải đối mặt với những thách thức hết sức gay gắt: thiên tai, địch họa dồn dập, kinh tế kiệt quệ, nạn đói đe dọa và rất nhiều vấn đề phức tạp từ hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại.
Với truyền thống anh hùng và bằng ý chí tự lực tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã nỗ lực vượt qua thử thách, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua được. Điều đó chứng tỏ Đảng bộ TPHCM có bản lĩnh chính trị vững vàng, đánh giá đúng bản chất cách mạng và sức mạnh to lớn của nhân dân, từ đó có những bước đột phá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đấu tranh và từng bước chiến thắng những trở lực của cơ chế cũ, làm sáng tỏ dần con đường đi và cách làm mới, tư duy mới, góp phần tích cực vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng.
Một trong những đột phá về kinh tế của TPHCM mà đến nay không ai có thể quên được, đó là việc “xé rào”, “cởi trói” của một số đơn vị kinh tế, làm tiền đề để xây dựng các chính sách kinh tế mới nhằm giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế hàng hóa, sau này hoàn thiện dần nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong những năm gần đây, TP là địa phương tiên phong đi đầu trong cải cách hành chính, áp dụng cơ chế thủ tục “một cửa” đối với các nhà đầu tư kể cả về đăng ký kinh doanh, về sử dụng đất, đầu tư và xây dựng.
Với những chính sách thông thoáng cùng với địa thế vốn có, TPHCM đã trở thành địa điểm thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn kinh tế lớn của thế giới với trình độ công nghệ cao. Song như thế vẫn chưa đủ, TPHCM nhận thức rằng, thành quả của sự phát triển phải đến từng gia đình, từng người dân, không thể để tình trạng khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng ra.
Từ chủ trương lo cho người nghèo ở các huyện ngoại thành, phong trào “xóa đói giảm nghèo” ra đời, sau này trở thành một chương trình lớn của cả nước, giúp đỡ một bộ phận người dân do nhiều nguyên nhân khác nhau mà rơi vào cảnh nghèo đói, có điều kiện vươn lên cải thiện đời sống.
Chất lượng cuộc sống – bài học tăng trưởng nhanh
- Nhưng thưa đồng chí, các vấn đề hạ tầng xã hội hiện nay như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… đã thực sự trở thành một mối đe dọa cho sự phát triển bền vững của TP, phải chăng TP chúng ta phát triển quá nóng?
Nhìn nhận một cách rất thực tế, TP chúng ta đạt tốc độ tăng trưởng cao, năm sau luôn cao hơn năm trước, tỷ lệ đóng góp cho ngân sách Trung ương chiếm đến 1/3, nhưng quá trình phát triển ấy cũng tạo ra một số tác động ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đó là công tác quản lý đô thị còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đang trong tình trạng quá tải; ùn tắc giao thông, ngập nước tuy đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, song chậm được khắc phục, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân cơ bản là công tác quy hoạch phát triển đô thị thời gian qua vừa chưa bao quát mục tiêu dài hạn, vừa thiếu tính cụ thể, làm hạn chế việc quản lý, xây dựng theo quy hoạch và thu hút các thành phần đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Cảnh quan đô thị tuy có cải thiện về bộ mặt nhưng vẫn còn tồn tại lớn về tổ chức không gian, kiến trúc đô thị; đặc biệt là dân số tăng nhanh, làm cho sự quá tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngày càng lớn (bình quân 3.000 người/km²).
- Thưa đồng chí, chúng ta rất tự hào về những thành quả của 33 năm qua, nhưng hiện tại người dân TP nhất là người nghèo, gia đình công chức, người lao động đang đối mặt với tình trạng lạm phát, giá cả leo thang, mức sống đang tụt dần, khoảng cách giàu nghèo lại dãn ra. TPHCM ứng phó với thực trạng này như thế nào?
Trước hết phải nói đây là vấn đề không riêng của nước ta, mà là vấn đề toàn cầu. Chúng ta đã gia nhập WTO, thì mỗi khi “trái gió, trở trời” của nền kinh tế thế giới chúng ta cũng phải bị “hắt hơi, sổ mũi” là đương nhiên. Những giải pháp, biện pháp lớn Chính phủ đã ban hành, vấn đề bây giờ là làm sao thực hiện cho thật hiệu quả.
Điều tôi muốn nói ở đây là đảm bảo cuộc sống cho người lao động ăn lương, đặc biệt là người nghèo, không để bà con lâm vào cảnh cơ cực. TPHCM bằng những chính sách an sinh xã hội, sẽ hỗ trợ phần nào cuộc sống người nghèo trong thời buổi khó khăn hiện nay.
33 năm trước, chúng ta làm nên Đại thắng mùa Xuân thống nhất đất nước, thành công ấy là thành công chung chứ không phải của riêng ai; thì những thành quả của ngày hôm nay cũng là thành quả của sự đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân, của tinh thần năng động sáng tạo của con người TP. Do vậy, sự chia sẻ khó khăn với các tầng lớp nhân dân TP, sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội lúc này là vô cùng quan trọng.
Lãnh đạo TP đang triển khai quyết liệt những giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu công, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.
Cụ thể TP phấn đấu thu đạt và vượt tối thiểu 5%, tiết kiệm chi tiêu công ít nhất 10% so với dự toán; điều chỉnh vốn đầu tư theo hướng tạm ngưng cấp mới cho các dự án, công trình đang chuẩn bị đầu tư nhưng chưa thật cấp bách, điều chuyển vốn sang các dự án có khả năng hoàn thành nhưng đang gặp khó khăn về vốn; áp dụng các biện pháp kiềm chế tăng giá, hình thành quỹ bình ổn giá 1.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp chủ lực cam kết giá bán các mặt hàng thiết yếu phải thấp hơn giá thị trường từ 5% trở lên; dự trữ 2.000 tấn gạo đảm bảo an ninh lương thực; không tăng học phí, viện phí, phí khám chữa bệnh, phí cầu đường, giá nước sạch, giá xe buýt, giá giữ xe…, nâng mức đầu tư xây dựng lên 30 triệu đồng/căn nhà tình nghĩa, 15 triệu đồng/căn nhà tình thương, mở rộng hỗ trợ đối với tầng lớp dân cư nghèo và cận nghèo…
Chủ động hội nhập

Một góc đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Ảnh: VIỆT DŨNG
- Năm 2008 là năm thứ hai, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng chí đánh giá thế nào về sự hội nhập của TPHCM?
Thành phố đã tích cực chủ động triển khai thực hiện Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế với 11 giải pháp trọng tâm như: thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến kiến thức cơ bản về Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết của Việt Nam gia nhập WTO; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cùng với công tác cải cách hành chính trên các lĩnh vực thủ tục cấp phép đầu tư, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu nhằm không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư của TP; đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; triển khai các hoạt động nghiên cứu về tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, việc làm, đời sống của người lao động...
Kết quả đạt được sau hơn một năm thực hiện Chương trình hội nhập kinh tế quốc tế chỉ mới ở bước đầu nhưng cũng đã tạo ra nhiều khởi sắc, môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, hình ảnh của TPHCM được các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tin tưởng và tín nhiệm.
Thể hiện rõ nhất là đầu tư nước ngoài vào TP có mức tăng trưởng cao so các năm qua và chiếm vị trí dẫn đầu cả nước. Năm 2007, tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài là 2,87 tỷ USD, tăng 27,5% so cùng kỳ; 3 tháng đầu năm 2008 mặc dù gặp nhiều khó khăn song đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng và đạt 2,23 tỷ USD, gấp 15,6 lần so cùng kỳ và tương đương với tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài cả năm 2007, chiếm khoảng 41% tổng vốn FDI của cả nước (tổng vốn FDI của cả nước là 5,44 tỷ USD, tăng 31,0%).
Hiện nay, TP đang tập trung triển khai các biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP, của từng doanh nghiệp và từng sản phẩm, xây dựng các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ các loại thị trường: thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ; tập trung đào tạo và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, trọng điểm là các công trình giao thông, thoát nước, chống ngập, xử lý nước thải, chất thải… góp phần cải thiện môi trường sống và môi trường đầu tư của TP.
- Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương sinh sống, làm ăn. Vậy, TPHCM làm gì để bà con ổn định làm ăn hoặc định cư lâu dài ở TP?
Chính quyền TPHCM luôn trân trọng, biết ơn tình cảm và sự đóng góp chí tình của bà con Việt kiều đối với sự phát triển của TP trong những năm qua. Chúng tôi coi sự đóng góp của bà con là nguồn lực hết sức quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển của TP, nhất là khi Việt Nam là đã trở thành thành viên chính thức của WTO.
Chúng tôi khẳng định rằng, chính quyền sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới hơn nữa, tạo những điều kiện tốt nhất cho các doanh nhân và bà con Việt kiều trong các lĩnh vực kinh doanh của mình. Đối với các thủ tục hành chính đang là rào cản hiện nay, chính quyền TPHCM tìm mọi cách tháo gỡ để tạo thông thoáng cho bà con; còn những vướng mắc ngoài thẩm quyền, TP sẽ kiến nghị với Trung ương.
- Bây giờ nhìn lại chặng đường 33 năm đã qua, theo đồng chí, đâu là bài học lớn nhất đối với sự phát triển của TPHCM?
Bài học bao trùm nhất cho sự thành công, theo tôi đó là giữ vững sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ Đảng và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, chung sức chung lòng của cán bộ chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân TPHCM. Đây chính là một trong những nhân tố bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ TP.
Mỗi khi khó khăn hay khi có tình hình và nhiệm vụ mới mẻ, ví như khi bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, chính sự đoàn kết trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đã giúp TPHCM vượt qua mọi khó khăn, chủ động khai thác nội lực của TP gắn kết chặt chẽ với việc huy động sức mạnh tổng hợp của khu vực và cả nước, và trong tình hình hiện nay sẽ phát huy được hiệu quả của sự hội nhập và hợp tác quốc tế.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Tuấn Sơn - Trần Toàn