Tháo gỡ cơ chế, thúc đẩy đầu tư

Nâng cao tỷ trọng cho vay nông - ngư nghiệp
Tháo gỡ cơ chế, thúc đẩy đầu tư

Hội thảo các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển

Quán triệt tinh thần của Nghị quyết 26/NQ-TW và Chiến lược kinh tế biển đến năm 2020, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) với mạng lưới gần 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch đã chủ động triển khai nhiều giải pháp huy động nhằm đáp ứng vốn đầu tư nền kinh tế, trọng tâm là nông nghiệp - nông thôn - nông dân.

Nhờ được trợ vốn, ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: Văn Ngọc

Nhờ được trợ vốn, ngư dân yên tâm bám biển. Ảnh: Văn Ngọc

Nâng cao tỷ trọng cho vay nông - ngư nghiệp

Quy mô tín dụng nông nghiệp - nông thôn nói chung và đầu tư ngành thủy sản nói riêng không ngừng được Agribank mở rộng, đáp ứng lượng vốn lớn phát triển toàn diện các ngành nông nghiệp nói chung trên toàn quốc. Tính đến 30-11-2013, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 527.607 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn 370.287 tỷ đồng, chiếm 70,18% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 6,92% so với năm 2010 và tăng 3,3% so với năm 2012. Riêng doanh số cho vay thủy hải sản từ năm 2010 đến 30-11-2013 đạt 145.188 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ lên đến 26.908 tỷ đồng, so với năm 2010 tăng 9.513 tỷ đồng (+54,7%), so với năm 2012 tăng 2.977 tỷ đồng (+12,4%).

Những năm gần đây, các ngư trường trọng điểm xuất hiện nhiều loại cá cho hiệu quả kinh tế cao, một số hộ đã chuyển đổi từ các tàu có công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ hiệu quả thấp sang các tàu có công suất lớn trên 90CV để ra khơi bám biển dài ngày. Đáp ứng nhu cầu này, tính đến đến 31-10-2013, tổng dư nợ đánh bắt xa bờ của Agribank đạt 1.808 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,9% tổng dư nợ kinh tế biển. Ngân hàng đầu tư tín dụng cho ngư dân đánh bắt gần bờ chủ yếu đối với các dự án sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền và bổ sung vốn nhằm duy trì, cải thiện ngành nghề đánh bắt truyền thống; dư nợ đến 31-10 đạt 813.087 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,3%/tổng dư nợ kinh tế biển. Do thời gian bám biển ngắn nên chi phí đánh bắt thấp hơn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại địa phương nên mức độ rủi ro thấp.

Cùng với hoạt động khai thác đánh bắt, nghề nuôi trồng thủy sản tiếp tục được quan tâm phát triển với tốc độ tăng khá cả về diện tích, năng suất và sản lượng, đã thu hút được nhiều lao động trong lĩnh vực này. Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ như tôm, ngao… đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng cũng gặp nhiều rủi ro vì nuôi tại vùng ven biển. Đến ngày 31-10, Agribank cung ứng nguồn vốn nuôi trồng thủy sản đạt 3.969.895 tỷ đồng, chiếm 50,2% tổng dư nợ kinh tế biển, tăng 57% so với năm 2010. Việc khai thác, nuôi trồng hải sản có hiệu quả là tiền đề để đẩy mạnh việc cho vay các cơ sở, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá. Dư nợ ngành dịch vụ kinh tế biển đến ngày 31-10 đạt 1.430.321 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,7%/tổng dư nợ kinh tế biển, tăng 112% so với năm 2010.

Vướng mắc đầu tư vốn

Với chức năng một ngân hàng chuyên doanh, Agribank chi nhánh các tỉnh ven biển đã chủ động điều tra, khảo sát, tiếp cận và nắm bắt tình hình cụ thể từng khách hàng, mở rộng cho vay đối với các khách hàng có đủ điều kiện, có kinh nghiệm trong nuôi trồng, khai thác đánh bắt thủy sản cũng như mở rộng cho vay dịch vụ chế biến và hậu cần nghề cá. Nâng mức cho vay đối với những khách hàng có đủ điều kiện vay vốn, có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh cả về khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Đồng thời, tăng tỷ trọng vốn trung hạn nhằm tạo điều kiện cho các hộ đầu tư cơ sở hạ tầng, tàu thuyền công suất lớn và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác và nuôi trồng.

Thực tế lực lượng, trình độ và năng lực đánh bắt xa bờ nước ta thua thế giới và các nước trong khu vực. Các điều kiện cơ sở hạ tầng như cảng cá, chợ cá, tàu thuyền, nơi tránh trú bão... đều hạn chế. Trong khi việc đánh bắt xa bờ của các nước đã bỏ qua tàu gỗ, thay bằng tàu sắt, tàu bằng vật liệu composite với thiết bị hiện đại để vươn khơi, ngư dân Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng tàu gỗ và công nghệ đánh bắt lạc hậu nên hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, việc đầu tư vốn tín dụng cho lĩnh vực khai thác thủy, hải sản trong thời gian vừa qua gặp rất nhiều rủi ro. Mặt khác, do ngư trường không ổn định, thiên tai bão tố liên miên nên các hộ chưa mạnh dạn đầu tư vào đội tàu có công suất lớn để vươn khơi. Trong khai thác, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên sản lượng đánh bắt kém so với các nước.

Ngư dân khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đóng mới tàu, trang bị ngư cụ hiện đại đi khai thác xa bờ là một thực tế, vì tài sản bảo đảm tiền vay chủ yếu là tàu cá, ngân hàng chỉ giữ giấy chứng nhận còn phương tiện giao cho khách hàng sử dụng để khai thác. Khi phương tiện đi khai thác vi phạm hải phận bị bắt giữ và thu tàu, rủi ro mất vốn là chắc chắn. Tàu cá công suất lớn thường đánh bắt ở ngư trường xa, neo đậu ở các địa phương ngoài tỉnh nên khó khăn cho ngân hàng cho vay trong việc kiểm tra, quản lý dòng tiền sau khi bán hải sản khai thác được. Vấn đề phát mãi tài sản để thu hồi nợ khi khách hàng không trả được nợ cũng gặp nhiều khó khăn. Muốn phát mãi tài sản thế chấp, phương tiện phải được kéo về bến đậu và có người bảo quản. Hiện nay Agribank đang nhờ sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển. Tuy nhiên, do chưa có các văn bản liên ngành để các cơ quan này có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ ngân hàng thu nợ nên hiệu quả còn hạn chế.

Cần cơ chế đặc thù

Từ thực tế những khó khăn, vướng mắc nêu trên, để thực hiện mục tiêu chiến lược về phát triển kinh tế biển Việt Nam, đồng thời để mở rộng quy mô tín dụng đối với ngành thủy sản nói chung, Agribank kiến nghị một số nội dung: Xây dựng chính sách ưu đãi hỗ trợ cho ngư dân trong lĩnh vực khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Các bộ, ban, ngành liên quan cần đưa ra mô hình khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản mang hiệu quả cao, như đầu tư 100% vốn nhà nước đóng mới tàu vỏ thép với kỹ thuật hiện đại, khai thác thủy hải sản xa bờ và một số tàu vỏ thép công suất lớn làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Việc đưa vào thực tế những mô hình này sẽ giúp xóa bỏ tư tưởng làm ăn manh mún trong đầu tư hiện nay, góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành kinh tế biển.

Do đặc thù ngành khai thác đánh bắt thủy hải sản xa bờ tiềm ẩn nhiều rủi ro, Agribank và các ngân hàng thương mại buộc phải xem xét các rủi ro có thể xảy ra để yêu cầu ngư dân, doanh nghiệp bổ sung tài sản đảm bảo ngoài tài sản thế chấp, là tàu cá hình thành từ vốn vay khi cho vay đóng mới tàu cá. Cơ chế đó khiến người dân càng khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành xây dựng cơ chế đặc thù, để ngân hàng mạnh dạn cho vay với tài sản thế chấp chỉ là tàu cá hình thành từ vốn vay, để người dân có thể tiếp cận vốn, đầu tư những con tàu lớn, đảm bảo kỹ thuật và thiết kế, mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy hiện đại hóa nghề cá nước ta.

"Hiện trạng phát triển tự phát ngành thủy sản hiện nay cần được chấn chỉnh và đưa ra quy hoạch cụ thể đối với từng lĩnh vực: Khai thác và đánh bắt, nuôi trồng, dịch vụ kinh tế biển… để đảm bảo việc phát triển bền vững, bắt kịp trình độ các nước. Các cấp chính quyền và ngành chức năng cần quán triệt tinh thần này, phải quản lý phát triển ngành theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng làm ăn manh mún, gây kiệt quệ tài nguyên đất nước"

TS NGUYỄN NGỌC BẢO
Chủ tịch HĐQT Agribank

Tin cùng chuyên mục