Trong bối cảnh lạm phát, các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ gặp khó khăn, Chính phủ liên tục ban hành nhiều nghị quyết, thông tư, các gói hỗ trợ DN, từ vốn, lãi vay, giảm, giãn thuế… Thế nhưng, đến nay, nhiều DN vẫn chưa thể… sống dậy. Dù lãi vay đã xuống thấp nhưng nhiều DN vẫn không vay được vốn.
Do vậy, vấn đề đặt ra, các chương trình hỗ trợ chưa hiệu quả hay đến lúc cần một cuộc thanh lọc những DN yếu? Hết Nghị quyết 11 đến Nghị quyết 13 của Chính phủ và gần đây là Nghị quyết 29 của Quốc hội… tất cả đều hướng đến mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho DN.
Nhưng, hình như vẫn chưa đủ, các DN đang chờ đợi một giải pháp đủ mạnh và mang tính dài hạn. Bởi vì các giải pháp giảm, giãn thuế không mang lại hiệu quả cao. Khi nhiều DN kinh doanh không có lãi, thậm chí thua lỗ, không phải nộp thuế thì đâu cần đến chính sách giảm thuế thu nhập DN.
Đối với chính sách giãn thuế giá trị gia tăng cũng thế, trong thời điểm hàng tồn kho tăng cao, được mấy DN có mức thuế dương để được giãn. Thật ra, chính sách giãn thuế cũng chỉ là cho nộp chậm nên chẳng có tác dụng hỗ trợ DN nhiều.
Do vậy, theo thống kê của Cục Thuế TPHCM, với chính sách giảm, giãn thuế theo Nghị quyết 11 của Chính phủ và Nghị quyết 29 của Quốc hội, TP sẽ có khoảng 55.000 lượt DN được giảm, giãn thuế (trong đó, mỗi DN được giãn thuế giá trị gia tăng 3 tháng, tức được tính 3 lượt giảm) với tổng số tiền ước khoảng 6.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, vấn đề hiện nay DN lo lắng làm sao bán được hàng, giải quyết hàng tồn kho để quay đồng vốn nhanh, thanh toán nợ cho ngân hàng nhằm giảm bớt gánh nặng lãi suất. Nhưng các giải pháp hỗ trợ của nhà nước chưa đáp ứng được mong muốn này.
Do vậy, thay vì giãn thuế giá trị gia tăng thì giải pháp giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng giúp DN giảm giá bán nhằm kích cầu tiêu dùng có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Chuyện DN bất động sản trong thời kỳ tiến thoái lưỡng nan hiện nay đang làm nóng dư luận.
Trước đây các ngân hàng định giá cho vay đối với các dự án bất động sản với giá bong bóng, để rồi bây giờ dính nợ xấu trong lĩnh vực này và ngân hàng phải đành… ngậm bồ hòn làm ngọt. Đã định giá cao, tỷ lệ cho vay cũng cao, lên đến 70% - 90% giá trị dự án để đến giờ giá thị trường rơi xuống 30% - 40%, ngân hàng không dám xử lý vì thanh lý tài sản thế chấp cũng không đủ thu hồi vốn cho vay.
Các DN cũng rơi vào ngõ cụt, dự án làm xong bán không được, chỉ cần “ôm” 2 – 3 năm (với lãi suất trên dưới 20%/năm) là coi như lãi vay ăn hết một nửa giá trị tài sản. Gần đây, xử lý những trường hợp DN bất động sản không trả nổi lãi vay đến hạn bằng cách quy đổi lãi vay ra nền đất, ngân hàng nhận nền đất rồi bán lại cho cán bộ, nhân viên.
Nhiều DN kêu than phải vay nóng với lãi suất cao để có tiền nộp đáo nợ ngân hàng. Thậm chí trong những buổi lãnh đạo tiếp xúc DN, nhiều DN kêu cứu chính quyền can thiệp với ngân hàng cho DN được đáo hạn nợ không cần nộp vốn vào. Vì đã có trường hợp ngân hàng hứa sẽ cho DN vay lại khi hết hạn, nhưng đến lúc DN nộp tiền vào để đáo hạn khoản vay thì ngân hàng thu hồi luôn không cho vay nữa khiến doanh nghiệp dở khóc dở cười. Vấn đề đặt ra vì sao lãi suất đã giảm mạnh nhưng nhiều DN vẫn không vay được vốn?
Theo TS Lê Vũ Nam (Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM), nguyên nhân xuất phát từ hai phía, cả ngân hàng lẫn DN. Về phía ngân hàng, do trước đây lún sâu vào các dự án bất động sản, nay không thu hồi được nợ nên tỷ lệ nợ xấu tăng cao và giờ không dám cho vay ở những dự án có độ rủi ro cao. Về phía DN, nhất là đối với DN vừa và nhỏ, sổ sách kế toán không rõ ràng nên giờ không có hồ sơ sạch để chứng minh khi vay vốn.
Có một số ý kiến đề xuất là không nên đặt ra trần lãi suất mà nên cho phép các ngân hàng thương mại linh hoạt xử lý trên cơ sở tự thẩm định theo nguyên tắc rủi ro cao, lãi suất cao và ngược lại để DN có nhu cầu được vay vốn.
Thế nhưng, một số chuyên gia lo lắng, giải pháp này sẽ làm rối thị trường tài chính vì ngân hàng là loại hình DN đặc biệt, được nhà nước gánh trách nhiệm khi có sự cố mà lại giao quyền cho một vài cán bộ thẩm định hồ sơ (nhất là đối với hồ sơ có độ rủi ro cao) thì không an toàn.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng cứ để khó khăn tự thanh trừ những DN xấu, thiếu năng lực, yếu vốn, chỉ phụ thuộc vào vốn vay ra khỏi thị trường. Nó có thể để lại một vài vấn đề lúc đầu nhưng thực sự có tác dụng làm sạch thị trường… sau bão!
CHẾ HÂN