Tháo gỡ khó khăn để thanh long ruột đỏ LD1 “xuất ngoại”

Thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ LD1 đi Nhật Bản ở tỉnh Long An đã bị dừng lại đột ngột vì không đáp ứng đủ điều kiện về mã vùng trồng. Trước tình hình này, ngành chức năng vừa tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan để giải quyết vấn đề.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ LD1 đi Nhật Bản ở tỉnh Long An đã bị dừng lại đột ngột vì không đáp ứng đủ điều kiện về mã vùng trồng

Một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ LD1 đi Nhật Bản ở tỉnh Long An đã bị dừng lại đột ngột vì không đáp ứng đủ điều kiện về mã vùng trồng

Theo đó, nguyên nhân thanh long ruột đỏ LD1 không xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc được là do gần đây, đối tác có yêu cầu hàng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận bảo hộ giống để được cấp mã số vùng trồng. Tuy nhiên, đa số các vùng trồng thanh long thanh long ruột đỏ LD1 của bà con ở Long An không đáp ứng yêu cầu này, vì vậy thanh long ruột đỏ LD1 phải mang ra chợ bán…

Bà Watanabe Masumi, Giám đốc Công ty Yasaka, một đơn vị xuất khẩu thanh long sang thị trường Nhật Bản cho biết, giống thanh long ruột đỏ LD1 được Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit bảo hộ đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty.

Trước đây, Công ty Yasaka thu mua thanh long của nông dân ở Long An, Tiền Giang, Bình Thuận với số lượng rất lớn và hiện nay, công ty có 5 mã vùng trồng thanh long với diện tích hơn 300ha.

Vừa rồi, công ty xuất khẩu 70 tấn thanh long sang thị trường Nhật Bản thất bại, do bản quyền bảo hộ giống. Công ty phải ngưng lại và buộc phải tìm đầu ra là Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức để bán, thiệt hại hơn 190.000 USD. Trong tháng 2 này, công ty có đơn hàng hơn 70 tấn thanh long xuất sang Nhật Bản. Nếu không xuất được, công ty sẽ thiệt hại khoảng 200.000 USD.

“Nếu Việt Nam không giải quyết thỏa đáng việc để tư nhân bảo hộ giống thanh long thì các nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang các nước có chính sách thông thoáng hơn mặc dù trái thanh long Việt Nam có ưu thế hơn một số nước khác cũng trồng. Công ty chúng tôi không thể vượt qua rào cản của việc bảo hộ giống thanh long LD1 thì công ty buộc phải ngừng mua và ngừng xuất khẩu thanh long", bà Watanabe Masumi cho biết.

"Chúng tôi không thể chấp nhận việc thu phí bảo hộ giống thanh long của đơn vị bảo hộ giống. Trên phương diện nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi kiến nghị các ban ngành liên quan cần rà soát lại việc bảo hộ giống này để hỗ trợ nông dân, HTX, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long có điều kiện sản xuất, mua bán thuận lợi”, bà Watanabe Masumi nói.

Ngành chức năng tỉnh Long An cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân rất nhiều trong việc thương lượng, đàm phán với đơn vị bảo hộ giống

Ngành chức năng tỉnh Long An cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân rất nhiều trong việc thương lượng, đàm phán với đơn vị bảo hộ giống

Vấn đề này, ngành chức năng tỉnh Long An cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp, người dân rất nhiều trong việc thương lượng, đàm phán với đơn vị bảo hộ giống.

Trước những phản ánh liên quan khó khăn trong xuất khẩu thanh long ruột đỏ LD1, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức cuộc họp giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và một số hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận.

Tại cuộc họp, đại diện Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết, ngoài thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nếu doanh nghiệp và người dân cần chứng minh truy xuất nguồn gốc, công ty sẵn sàng hỗ trợ chia sẻ bản quyền không thu phí trong thời gian 5 năm, tính từ thời điểm hiện tại.

Đối với thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, người dân nào đang trồng giống thanh long LD1 từ Viện Cây ăn quả miền Nam cung cấp cây giống khảo nghiệm thì công ty sẵn sàng bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý cho bà con, theo tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản, cao hơn thị trường 20 - 30%.

Công ty Hoàng Phát Fruit đã thực thi công tác bảo hộ thương mại trái thanh long ruột đỏ LD1 đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc

Công ty Hoàng Phát Fruit đã thực thi công tác bảo hộ thương mại trái thanh long ruột đỏ LD1 đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc

Theo Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc bảo hộ và chuyển nhượng quyền bảo hộ hoàn toàn phù hợp, đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hoàng Phát đã minh bạch việc chia sẻ bản quyền thanh long ruột đỏ LD1. Đây là cơ sở để trái thanh long Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Ông Cường đề nghị Công ty Hoàng Phát Fruit sớm có văn bản cam kết gửi Bộ NN-PTNT và Cục Trồng trọt cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu thanh long để tạo điều kiện thuận lợi cho thanh long được xuất khẩu.

Giống thanh long ruột đỏ LD1 được Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo. Tháng 11-2016, Viện đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống thanh long ruột đỏ LD1. Năm 2017, Viện chuyển nhượng quyền bảo hộ giống LD1 cho Công ty Hoàng Phát Fruit với giá 5 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trước khi chuyển nhượng quyền bảo hộ giống thanh long LD1 cho Công ty Hoàng Phát Fruit, Viện đã bán giống thanh long này ra ngoài cho bà con nông dân và được bà con nông dân mở rộng diện tích trồng.

Công ty Hoàng Phát Fruit đã thực thi công tác bảo hộ để thương mại trái thanh long ruột đỏ LD1 đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nếu doanh nghiệp nào xuất khẩu thanh long ruột đỏ LD1 vào 2 thị trường này thì phải đàm phán, thỏa thuận các vấn đề liên quan với Công ty Hoàng Phát Fruit, trong đó có tiền bảo hộ giống thanh long như trong thỏa thuận 3 bên giữa Viện Cây ăn quả miền Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Long An và Công ty Hoàng Phát Fruit ngày 16-9-2022.

Song song với đó, việc cấp mã số vùng trồng cần phải xác định giống thanh long, nên hiện nay, nhiều diện tích thanh long ruột đỏ LD1 của nông dân và doanh nghiệp không được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngày 17-8-2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5273/VPCP-NN gửi Bộ NN-PTNT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT nghiên cứu, kiểm tra thông tin về chuyển nhượng kết quả nghiên cứu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có giống thanh long LD1.

Tin cùng chuyên mục