Tháo gỡ nút thắt thể chế KH-CN

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Liên hiệp Các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vào cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu VUSTA phải tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để trí thức đi đầu trong việc truyền bá, phổ biến những tinh hoa tri thức của nhân loại, góp phần thiết thực nâng cao dân trí, áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) vào sản xuất và đời sống.

Tập trung tháo gỡ nút thắt thể chế kìm hãm sự phát triển của KH-CN; tham gia giám sát việc công khai hoạt động, quá trình nghiên cứu KH-CN. “Ví dụ như có câu hỏi: tại sao KH-CN Việt Nam chậm hơn các nước? KH-CN đã đi vào đời sống, đã phát huy tác dụng để Việt Nam xếp thứ hạng tốt trong khu vực chưa? Các đồng chí chính là người phát hiện và trả lời vấn đề này”, Thủ tướng nêu yêu cầu với lãnh đạo VUSTA.

Cũng không phải ngẫu nhiên, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” do Bộ KH-CN tổ chức đầu tháng 1-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tất cả các bộ, ngành phải tháo gỡ những nút thắt thể chế đang kìm hãm sự phát triển của KH-CN. Tất cả để KH-CN thực sự là động lực và chìa khóa phát triển cũng như bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Không thể phủ nhận những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của KH-CN. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thành tựu KH-CN chậm đi vào cuộc sống. Trình độ KH-CN quốc gia hiện còn tụt hậu xa so với thế giới. Phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới 2 - 3 thế hệ... Những tồn tại này không phải do bản thân các nhà khoa học gây ra mà chính là do cơ chế tạo thành. Một cơ chế mà không thể tách hoạt động KH-CN ra khỏi hoạt động hành chính và khi tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học; khi các nhà khoa học còn phải suốt ngày lo nghĩ thủ tục hành chính, lo mua hóa đơn để quyết toán công trình thì rất khó để KH-CN phát triển đúng nghĩa là “then chốt” của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Cũng vì do hành chính quan liêu, nên câu chuyện nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít vẫn luôn tồn tại. Điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến ngân sách đầu tư của Nhà nước cho nghiên cứu và phát triển KH-CN. Nghĩa là chi nhiều cho các đề tài, nhưng rất nhiều đề tài nghiệm thu xong vẫn “đút ngăn khéo”, không có giá trị thực tiễn.

Điều đó cho thấy, đầu tư cho KH-CN cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn, ưu tiên đầu tư các dự án, đề tài phục vụ thiết thực cho đất nước. Nghiên cứu KH-CN phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì, để đưa ra hướng đi phù hợp nhất. Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm KH-CN phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định… Đây là những vấn đề mà lãnh đạo Bộ KH-CN cũng như các bộ, ngành đã nhiều lần thừa nhận, nhưng chưa làm tốt được! Một vấn đề khác, đó là phải tạo cơ chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương, đất nước. Tại buổi làm việc với VUSTA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định luôn lắng nghe bất cứ nhà khoa học nào có những ý tưởng xây dựng đất nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra trên toàn thế giới, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KH-CN, nhất là con người và thể chế. Yêu cầu cấp thiết là khai phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo; có những chính sách thiết thực hơn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN; tập trung tháo gỡ nút thắt trong thể chế về KH-CN… Nếu không, nền KH-CN đất nước vẫn sẽ tiếp tục bị kìm hãm, chúng ta ngày càng bị tụt hậu xa hơn.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục