Tháp bút, Đài nghiên

Không ngọn bút, nghiên mực nào to lớn và nổi tiếng bằng Tháp bút, Đài nghiên của Hà thành. Tháp bút, Đài nghiên được xây từ năm 1865, sau đền Ngọc Sơn 23 năm.

Trước kia, vào thời Lê sơ, các vị vua đã từng cho xây một cái đài để câu cá ở khu vực này, gọi là Điếu đài. Việc xây dựng Tháp bút, Đài nghiên do án sát tỉnh Hà Nội là Đặng Huy Tá cùng với người tiền nhiệm của mình là Nguyễn Văn Siêu cùng góp sức làm. T

háp dựng trên một ngọn giả sơn, xếp bằng đá hộc và ngọn giả sơn ấy có tên gọi là núi Độc Tôn. Tháp bút có bảy tầng, đỉnh là một ngòi bút đối thẳng với trời và ở phần thân có khắc ba chữ Tả Thanh Thiên, tức là viết lên trời xanh, còn thân tầng thứ ba của tháp có khắc một bài Bút Tháp Chí.

Đài nghiên, cái phần cặp kè, phần nửa thứ hai không thể thiếu của Tháp bút, được dựng ngay trên tòa cửa đầu tiên dẫn vào bên trong đền, ở đầu cầu Thê Húc. Ba cái chân của nghiên do ba con cóc, xưa gọi là Thiềm từ, đội. Trên thân nghiên khắc một bài Minh, gồm 64 chữ bằng chữ Hán mà nội dung rất đa nghĩa và sâu sắc.

Đến Hà thành, không thể bỏ qua Tháp bút, Đài nghiên. Và tới đấy, bạn sẽ biết thêm hai điều bất ngờ thú vị: Thứ nhất, hầu như tất cả những chữ ở Tháp bút, Đài nghiên đều do Nguyễn Văn Siêu soạn và có bút tích của chính ông.

Thứ hai, nếu bạn là người may mắn, có thể sẽ được chứng kiến cái giây phút kỳ bí nhất trong một năm, ấy là khi bóng Tháp bút chấm đúng vào giữa lòng của Đài nghiên. Giờ phút ấy, biết đâu bạn sẽ đọc được vô vàn những bí mật của Hà thành mà cây bút đá khổng lồ kia đã viết lên trời xanh.

Phương Tân

Tin cùng chuyên mục