Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ năm nay (ngày 2-4) lại là một ngày dài ngập trong công việc của Andrew Duff. Chạy đến ghi hình tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, tòa nhà Empire State hay bất cứ nơi nào ở Manhattan, nơi tổ chức sự kiện Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ, để ghi nhận. Rồi ngồi trước máy tính để chỉnh sửa và đăng tải những đoạn video, hình ảnh về các lễ kỷ niệm chiến dịch Light It Up Blue! (Thắp màu xanh lơ) của Autism Speaks, tổ chức tài trợ nghiên cứu và nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ của Mỹ.
Trong ngày 2-4, rất nhiều địa điểm trên thế giới sẽ chuyển đèn sang màu xanh để hưởng ứng chiến dịch của Autism Speaks.
Chàng trai 24 tuổi người Mỹ hiện đang là nhân viên sản xuất truyền thông đa phương tiện cho Autism Speaks. Điều ít ai ngờ tới đó là chàng thanh niên đầy nhiệt huyết, miệt mài 24/24 với công việc Andrew lại là một người từng mắc chứng bệnh tự kỷ. Năm lên 2 tuổi, Andrew bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ. Mọi thứ như sụp đổ đối với bố mẹ Andrew khi nghe bác sĩ thông báo và vẽ ra một tương lai ảm đạm đối với Andrew. Giao tiếp khó khăn, tự làm tổn thương bản thân như đập đầu vào vách… là những thứ mà chứng tự kỷ đem lại cho Andrew.
Vào một ngày khi Andrew 5 tuổi, cả gia đình đang đi trên xe, bỗng có câu hỏi từ ghế sau: “Giờ mình đi đâu ạ?”. Bố và mẹ Andrew lập tức dừng xe và nhận ra rằng câu hỏi đó xuất phát từ Andrew chứ không phải anh trai William của cậu.
Andrew cho biết thời khắc đó là “bước khởi đầu” cho tiến trình thoát khỏi chứng bệnh tự kỷ của cậu. Giáo viên ở trường học Andrew cùng bố mẹ cậu theo dõi sự tiến triển của Andrew qua một quyển sổ liên lạc hàng ngày. Đến một ngày Andrew về nhà và mang theo cuốn sổ giáo viên ghi dòng chữ: “Andrew đã nói dối”, đây thực sự là một bước ngoặt trong hành trình thoát khỏi chứng tự kỷ của Andrew.
“Khi nói dối tức là tôi đã thực hiện một hành vi để thoát khỏi sự trừng phạt và đó là sự đột phá trong nhận thức về xã hội xung quanh. Nói dối cho thấy mức độ phát triển mới trong tư duy của tôi”, Andrew chia sẻ.
Sau đó, Andrew đi học các cấp cơ sở như bao học sinh bình thường rồi đăng ký học ở trường Cao đẳng Bennington chuyên ngành sản xuất truyền thông đa phương tiện. Đây là điều mà bố mẹ Andrew chẳng bao giờ dám nghĩ tới sau ngày biết cậu mắc chứng bệnh tự kỷ.
Ở những nơi theo học, Andrew không giấu giếm bạn bè về chứng bệnh tự kỷ của mình và thậm chí ở Bennington, cậu còn tham gia đóng một vở kịch nói về chứng bệnh tự kỷ để rồi phát hiện ra khả năng diễn xuất của mình. Và cũng chính từ vở kịch mà Andrew tham gia, cựu Chủ tịch của Autism Speaks Liz Feld đã phát hiện ra Andrew và đưa cậu về làm ở Autism Speaks.
Andrew kể công việc đang làm giúp cậu chiêm nghiệm được về cuộc sống của một người mắc chứng bệnh tự kỷ. Đó là chặng đường với nhiều cung bậc cảm xúc và đáng tự hào khi cậu đạt được thành quả mà nhiều người khác bị mắc chứng bệnh như cậu chỉ nằm mơ mới có. Nhiều người quen của Andrew khi tâm sự với cậu đều có chung một câu hỏi: “Làm thế nào để cậu thoát khỏi chứng bệnh này”? Andrew cho hay đối với người mắc chứng tự kỷ, không có cách nào khác là phải đối mặt với sự thật. Không giấu giếm, thoải mái chia sẻ và đối thoại sẽ giúp người mắc chứng tự kỷ vượt qua khó khăn trong giao tiếp để hòa nhập. Còn với cộng đồng, sự quan tâm, sẻ chia cũng chính là liều thuốc quý đối với người mắc chứng tự kỷ.
Minh Châu