Thắp sáng đường Trường Sơn huyền thoại

Là đơn vị đầu tiên đồng hành với Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP với số tiền cam kết tài trợ giai đoạn 1 là 40 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cùng chương trình tri ân những vùng đất chịu nhiều thiệt thòi, những địa danh trọng điểm, tọa độ lửa đang bị lãng quên ở Trường Sơn để con đường huyền thoại này được thắp sáng, để đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam mãi trường tồn…

Là đơn vị đầu tiên đồng hành với Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP với số tiền cam kết tài trợ giai đoạn 1 là 40 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cùng chương trình tri ân những vùng đất chịu nhiều thiệt thòi, những địa danh trọng điểm, tọa độ lửa đang bị lãng quên ở Trường Sơn để con đường huyền thoại này được thắp sáng, để đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của người Việt Nam mãi trường tồn…

Từ năm 2009 đến 2011, Vietcombank đã tài trợ triển khai xây dựng 620 căn nhà tình nghĩa, tặng 1.200 suất học bổng và xây dựng 2 đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại Bến phà Long Đại tỉnh Quảng Bình và Bến Tắt tỉnh Quảng Trị. Trong đó, đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại được đánh giá là công trình tâm linh nhiều ý nghĩa, bởi lẽ bến phà Long Đại nằm trên tuyến đường 15, đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là một trong những tuyến đường huyết mạch để vận chuyển sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Bến phà là điểm vượt sông quan trọng ở phía Đông Trường Sơn, là “yết hầu” trong vùng chảo lửa Quân khu 4, nơi kẻ thù trút xuống hàng vạn tấn bom đạn nhằm ngăn chặn sự chi viện của ta trên tuyến vận tải chiến lược quan trọng này. Nơi đây, hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống để giữ cho mạch máu vận tải luôn thông suốt, đưa lực lượng và hàng hóa, khí tài đạn dược vượt sông kịp thời chi viện cho chiến trường, góp phần cùng đồng bào miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong ngày khánh thành đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại bến phà Long Đại, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cũng là một người lính Trường Sơn năm xưa, xúc động chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã giải phóng mà các anh các chị vẫn chưa về. Tổ quốc ghi công, nhân dân đời đời nhớ ơn các anh các chị. Hôm nay, chúng tôi luôn khắc ghi sự hy sinh của các liệt sĩ, xin hương hồn các anh chị hãy yên nghỉ. Chúng tôi xin thành kính thắp nén nhang tri ân tự đáy lòng mình”.

Cán bộ, công nhân viên chức Vietcombank và các thành viên Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã không ngại khó khăn trong giai đoạn đầu, cùng với lãnh đạo địa phương khảo sát, chọn địa điểm hợp lý nhất để xây dựng hai đền tưởng niệm. Khó khăn của những ngày đầu triển khai thực hiện chương trình khó có thể kể hết, bởi đây là một chương trình mà cả đơn vị tổ chức và nhà tài trợ đều làm vì cái tâm của những người đồng đội, của người lính năm xưa và cũng vì cái tình của những người đang được sống trong thời bình tưởng nhớ đến những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Bà Trương Thị Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, Giám đốc Vietcombank chi nhánh TPHCM, đã từng tâm sự: Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đến với Vietcombank như một cơ duyên, cái duyên giữa hai đơn vị với nhau và cũng là cái duyên của những con người làm từ thiện vì cái tâm. “Khi tôi đọc về mục đích, ý nghĩa của chương trình, tôi cảm nhận được sự sâu sắc của nó. Đúng lúc đó, Vietcombank cũng đang có kế hoạch tham gia một chương trình từ thiện nhưng tôi đã thuyết phục ban giám đốc tham gia chương trình. Chúng tôi rất cảm ơn Báo SGGP đã tin tưởng song hành với Vietcombank trong một chương trình hết sức nhân văn và có ý nghĩa xã hội to lớn như vậy.

Đúng như dự định ban đầu trong vòng 2 năm, hơn 1.000 học bổng đã được trao tận tay học sinh là con em các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và con em các gia đình sống dọc Trường Sơn, đã từng tham gia hỗ trợ bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 600 căn nhà tình nghĩa đã được xây mới và bàn giao đến đúng đối tượng CCB, cựu TNXP… Riêng hai đền tưởng niệm, vì là hai dự án tâm linh nên việc chọn địa điểm, thiết kế đền đài hết sức cẩn thận và chi tiết nên đến cuối năm 2012 và đầu năm 2013 mới được khánh thành. Trong quá trình thực hiện, một số công đoạn cần được nâng cấp làm tốt hơn dự định nên từ con số cam kết tài trợ ban đầu của Vietcombank là 40 tỷ, đã tăng lên 43,9 tỷ đồng.

GIA LINH

Tin cùng chuyên mục