Cách đây gần 20 năm, các tỉnh ĐBSCL đua nhau xuất ngân sách nhập khẩu thiết bị về làm NMĐ. Đó là thời điểm ĐBSCL có gần 100.000ha trồng mía. Cây mía trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Lúc đường cát bán được giá, các NMĐ tranh nhau quyết liệt mua mía nguyên liệu. Lúc đường rớt giá, các nhà máy “làm lơ” vùng nguyên liệu, ép giá bán, khiến vùng nguyên liệu luôn rơi vào cảnh bấp bênh. Các nhà máy từng bước được cổ phần hóa, sau gần 20 năm, các địa phương như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh… đã bán hết phần vốn cổ phần của Nhà nước cho tư nhân. Và các NMĐ ngày càng rơi vào cảnh bế tắc: thiết bị sản xuất xuống cấp lạc hậu, công nghệ sau đường chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, kênh phân phối thị trường luôn phải đối diện với áp lực đường lậu từ Thái Lan tràn vào khiến các NMĐ rơi vào cảnh khốn đốn.
Đó là những nguyên nhân chính khiến các NMĐ ở ĐBSCL phá sản. Trước đây, ĐBSCL có 10 NMĐ nhưng hiện nay 6 nhà máy đã đóng cửa (nhiều nhà máy chờ bán thiết bị). Đó cũng là lý do dẫn đến diện tích trồng mía của nông dân trồng vùng ngày càng giảm sâu: từ 100.000ha đến nay chỉ còn khoảng 35.000ha. Huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang được xem là nơi còn lại vùng nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL. Thời cao điểm, huyện Phụng Hiệp có gần 15.000ha mía, đạt sản lượng cao nhất ĐBSCL với 1 triệu tấn mía nguyên liệu/năm. Nhưng do sản xuất bấp bênh, giá mía nguyên liệu liên tục giảm, nông dân đã ban liếp trồng các loại cây khác nay chỉ còn trên 6.000ha.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá sàn bảo hiểm mà Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) ký kết trong vụ mía năm nay là 700 đồng/kg, mía 10 chữ đường tại ruộng. “Cả nông dân và doanh nghiệp sản xuất đường hiện nay hết sức khó khăn. Chúng tôi đang giám sát chặt việc điều phối phương tiện và thu mua mía của nông dân từ Casuco. Hy vọng phía công ty sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết với nông dân trồng mía Hậu Giang”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Hàng chục ngàn nông dân từ Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng đến Hậu Giang có điều kiện đã ban bỏ liếp mía để trồng các loại cây khác. Tuy nhiên, cũng còn nhiều nông dân ở chính những vùng đó đang loay hoay trồng lại cây mía với nỗi lo thấp thỏm thua lỗ. “Nhiều nông dân ở đây có điều kiện đã bỏ tiền thuê ban liếp mía để trồng lại khóm, dưa hấu, chanh không hạt. Gia đình tôi cũng như nhiều bà con còn trồng mía ở đây cũng sốt ruột. Nhưng hoàn cảnh thì eo hẹp, tiền đâu để thuê người ban liếp, tiền đâu để đầu tư trồng cây khác…? Cố bám trụ trồng mía tiếp với hy vọng có lời - dù điều đó rất bấp bênh” - lời tâm sự của lão nông Điền Văn Bảnh ở Phụng Hiệp cũng là nỗi niềm của hàng chục ngàn nông dân ĐBSCL còn bám trụ trồng mía hiện nay.