Thất bại nặng nề

1,3 triệu cử tri bang Mecklenburg - Vorpommern, miền Bắc nước Đức, tham gia vào cuộc bầu cử để bầu ra nghị viện mới của bang ngày 4-9. Cuộc bầu cử này được giới quan sát đánh giá là phép thử quan trọng đối với các chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng như đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong bối cảnh chỉ còn 1 năm nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở Đức.

1,3 triệu cử tri bang Mecklenburg - Vorpommern, miền Bắc nước Đức, tham gia vào cuộc bầu cử để bầu ra nghị viện mới của bang ngày 4-9. Cuộc bầu cử này được giới quan sát đánh giá là phép thử quan trọng đối với các chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng như đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong bối cảnh chỉ còn 1 năm nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở Đức.

Hiện bang Mecklenburg - Vorpommern đang do một liên minh giữa hai đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và CDU cầm quyền, trong đó đương kim Thủ hiến bang là ông Erwin Sellering thuộc SPD. Nghị viện bang miền Bắc nước Đức hiện có 71 ghế, trong đó SPD chiếm nhiều nhất với 27 ghế, tiếp đó là CDU 18 ghế, đảng Cánh tả 14 ghế, đảng Xanh 7 ghế và đảng cực hữu Dân chủ quốc gia Đức (NPD) 5 ghế. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, nhiều khả năng liên minh giữa SPD và CDU vẫn tiếp tục nắm quyền dù không giành được đa số.

Điều đáng lo ngại là những kết quả dự đoán đầu tiên đã được đưa ra đối với cuộc bầu cử Nghị viện bang Mecklenburg - Vorpommern, theo đó đảng CDU của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bị đảng dân túy cánh hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) đẩy xuống vị trí thứ ba trong cuộc bầu cử tại bang miền Bắc nước Đức này. Kết quả cho thấy đảng SPD là đảng mạnh nhất với trên 30% số phiếu ủng hộ, thứ hai là AfD với 21%, CDU 19%, đảng Cánh tả 12% và đảng Xanh 5%.

Trong các cuộc bầu cử nghị viện bang hồi tháng 3 năm nay tại Baden - Württemberg, Rheinland-Pfalz và Sachsen-Anhalt, CDU cũng đã phải hứng chịu thất bại nặng nề chủ yếu do một bộ phận cử tri phản đối chính sách người nhập cư của Thủ tướng Merkel đã quay sang ủng hộ AfD hoặc không tham gia bỏ phiếu.

Hầu hết các đảng cực hữu ở châu Âu nhân cuộc khủng hoảng di cư để “đục nước béo cò”. Năm 2015, Ba Lan đã bầu ra một trong những quốc hội có nhiều thành viên theo cánh hữu nhiều nhất châu Âu, hất cẳng các thành viên ôn hòa cầm quyền. Đảng Nhân dân Đan Mạch, một đảng cánh hữu chống EU và người nhập cư, cũng giành được tỷ lệ phiếu bầu nhiều thứ hai trong tổng tuyển cử hồi tháng 6-2015. Đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển ngày càng được nhiều cử tri ủng hộ và thậm chí còn được coi là đảng được ủng hộ nhiều nhất Thụy Điển. Tại Hy Lạp, phe phát xít mới Bình minh vàng giành được số phiếu bầu cao thứ ba trong cả hai cuộc bầu cử quốc hội năm 2015. Tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2015, các đảng cựu hữu đã có đủ ghế để lập khối riêng, có quyền tiếp cận nguồn quỹ Liên minh châu Âu. Khối này do bà Marine Le Pen thuộc Mặt trận Dân tộc Pháp dẫn đầu, gồm có đảng: Tự do của Hà Lan, Lega Nord của Italia và đảng Tự do của Áo. Đảng AfD của Đức cũng không phải ngoại lệ, thông điệp vận động của họ luôn là phúc lợi của quốc gia phải dành cho chính người dân bản địa, chứ không phải cho người bên ngoài mới vào. Điều này đánh trúng vào tâm lý của đa số cử tri châu Âu nói chung, nước Đức nói riêng, hệ quả là cử tri quay lưng lại các đảng có chính sách mở cửa với người di cư, quay sang đón nhận các đảng cực hữu có đường lối dân túy.

Đây được xem là sự thất bại khó có thể chấp nhận với đảng bảo thủ của Thủ tướng Merkel. Do đó, nếu muốn trụ vững, đảng cầm quyền ở Đức và cả châu Âu phải nhanh chóng tìm ra giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng di cư trước khi cánh hữu áp đảo hoàn toàn chính trường châu Âu.

Việt Anh

Tin cùng chuyên mục