Thắt chặt liên minh

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Australia năm nay, cuộc gặp giữa 3 nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và Australia thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới quan sát.

Trước hết, cuộc gặp 3 nước giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Tony Abbott mang một ý nghĩa quan trọng bởi hiếm khi 3 nhà lãnh đạo này gặp nhau. Đây mới chỉ là cuộc gặp thứ 2 sau lần đầu tiên vào năm 2007 giữa 3 nhà lãnh đạo khi đó là Tổng thống Mỹ George W. Bush, Thủ tướng Australia John Howard và ông Shinzo Abe trong nhiệm kỳ Thủ tướng Nhật đầu tiên.

Tại cuộc gặp lần này, 3 nước đã ra một tuyên bố chung nêu rõ các bên cam kết hợp tác sâu hơn trong an ninh quốc phòng; đảm bảo an ninh hàng hải tại khu vực, nơi đang diễn ra những tranh chấp về lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Trước đó, trong một bài viết trên tờ Australian Financial Review, ông Abe đã khẳng định quyết tâm thắt chặt thêm quan hệ quân sự của Nhật Bản với Australia và Mỹ nhằm xây dựng một tương lai hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Hợp tác quốc phòng 3 nước Mỹ - Nhật - Australia được cho là sẽ củng cố thêm quan hệ an ninh quân sự song phương vốn đã chặt chẽ giữa 3 nước, với Mỹ và Ausatrlia là đồng minh thân thiết với nhau cả về quân sự lẫn chính trị, và quan hệ quân sự Mỹ-Nhật càng lúc càng được củng cố thêm và mở rộng.

Mắt xích vốn được xem là yếu trong hợp tác ba bên là quan hệ quốc phòng Australia-Nhật mới đây đã được tăng cường đáng kể sau chuyến công du Australia của Thủ tướng Abe, một mối quan hệ được Tokyo xem là mang tính chất “gần như là một liên minh quân sự”.

Hãng AP nhận định, trong bối cảnh Mỹ đang triển khai chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương; rồi chọn Australia làm cứ địa để có thể triển khai quân nhanh chóng ở khu vực trong trường hợp khẩn thiết với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ khoảng 2.500 người, việc 3 nước Mỹ, Australia và Nhật kề vai sát cánh với nhau một cách chặt chẽ hơn sẽ không được Trung Quốc hoan nghênh.

Đến nay, Bắc Kinh luôn coi chính sách xoay trục của Mỹ có mục đích kìm vây hãm sự vươn lên của Trung Quốc. Trong khi đó, việc Nhật Bản thời gian qua tỏ rõ sự quan tâm đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, ủng hộ các quốc gia bị Trung Quốc lấn lướt khiến Bắc Kinh không khỏi quan ngại.

Mặc dù giới chức ba nước đều khẳng định rằng chỉ muốn phát huy việc bảo đảm an ninh cho toàn vùng châu Á-Thái Bình Dương chứ không gửi một thông điệp nào đến Trung Quốc, trong cuộc gặp giữa 3 nhà lãnh đạo, ông Obama đã “nhắc nhở” Bắc Kinh rằng Trung Quốc cần phải tuân thủ các nguyên tắc như các nước khác đã và đang làm trong cả lĩnh vực thương mại lẫn trên biển.

Còn trong bài phát biểu tại Đại học Queensland, Australia, Tổng thống Mỹ cho hay với sự phát triển mạnh mẽ của mình, Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của khu vực, nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là Trung Quốc muốn đóng vai trò gì? Tổng thống Mỹ đã gửi lời cảnh báo: Bắc Kinh hãy tự chọn cho mình một con đường: trở thành quốc gia đóng góp cho sự hòa bình, thịnh vượng trong khu vực hoặc mang hình ảnh của một ông lớn thích gây hấn trong thời gian qua.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục