Thất nghiệp ở Mỹ

Thất nghiệp ở Mỹ

Lợi nhuận từ các tập đoàn của Mỹ đều tăng trong năm qua, giá chứng khoán cũng tăng thế nhưng tỷ lệ lao động thất nghiệp ở Mỹ vẫn cao. Vì sao?

Tạo việc làm cho... nước ngoài

Trong năm 2010, Tập đoàn Caterpillar Inc, buôn bán máy móc, động cơ, sản phẩm tài chính, bảo hiểm… đã thuê gần 8.000 lao động bên ngoài nước Mỹ. Số lao động nước ngoài của Công ty Dịch vụ bưu kiện và vận chuyển hàng không UPS thuê cũng tăng nhanh trong năm qua. Doanh thu trên thị trường quốc tế của cả 2 công ty này đều tăng mạnh, ít nhất gấp hai lần so với thị trường nội địa. Xu hướng này giúp giải thích lý do tại sao tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức cao ngay cả khi các công ty Mỹ làm ăn hiệu quả.

Người thất nghiệp xếp hàng chờ nộp đơn xin việc bên ngoài một hội chợ việc làm ở Los Angeles. Ảnh: Getty Images

Người thất nghiệp xếp hàng chờ nộp đơn xin việc bên ngoài một hội chợ việc làm ở Los Angeles. Ảnh: Getty Images

Đến tháng 11-2010, con số thất nghiệp lên đến 9,8%. Tuy vậy, trong tháng cuối năm 2010, tình hình có vẻ khả quan hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế học khi kết thúc thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 9,4%. Không cho biết đã thuê bao nhiêu lao động Mỹ trong năm qua, nhưng những đầu tư mới nhất của công ty nước giải khát hàng đầu Coca-Cola cho thấy họ sẽ tạo thêm việc làm… ở nước ngoài. Trong đó có 3 nhà máy sản xuất chai trị giá 240 triệu USD ở Nội Mông (Trung Quốc), qua đó sẽ tạo ra khoảng 2.000 việc làm ở khu vực này. Trước đó, vào tháng 9-2010, Coca-Cola cũng đã thỏa thuận đầu tư 1 tỷ USD vào Philippines trong 5 năm.

Trên thực tế, những công việc lao động đơn giản như sản xuất đồ chơi và quần áo ở Mỹ đã được chuyển ra nước ngoài trong hơn 2 thập kỷ qua khi giá lao động ở các nước như Trung Quốc, Pakistan, khu vực Đông Nam Á, Mexico, Brazil… rẻ hơn ở Mỹ. Thế nhưng, trong những năm gần đây, công việc chuyển ra nước ngoài đã cao cấp và tinh vi hơn như sản xuất chất bán dẫn và phần mềm chẳng hạn. Và hiện nay, nhiều sản phẩm được làm ở nước ngoài thậm chí không còn nhập khẩu trở lại Mỹ như trước đây khi nhu cầu ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil ngày càng tăng mạnh. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ lại quá thấp. Mặc dù vào mùa mua sắm mạnh cuối năm nhưng người Mỹ chi tiêu rất kém. So với trước cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, chi tiêu cho đồ dùng trong gia đình của người dân Mỹ ít hơn 18%, điện tử ít hơn 10%.

Jeffrey Sachs, chuyên gia toàn cầu hóa và là nhà kinh tế của Đại học Columbia, cho biết: “Các ông chủ sẽ chuyển hoạt động của công ty đến những nơi thị trường tăng trưởng nhanh và lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, các công ty cũng đang tuyển mộ những người tài năng xuất chúng ở các nền kinh tế mới nổi thay vì chỉ thuê chuyên gia ở Mỹ. Với sự thay đổi này, người Mỹ phải thật sự cẩn trọng”. Nhà kinh tế trưởng của Standard & Poor’s, David Wyss, góp thêm quan điểm về vấn đề này: “Hiện đang diễn ra một cuộc chuyển đổi sức mạnh kinh tế và nó sẽ còn tiếp tục. Trong 2 năm qua, một nửa lợi nhuận của các công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán S&P 500 đến từ khu vực bên ngoài nước Mỹ”.

Xu hướng nguy hiểm

Với viễn cảnh kinh tế nước ngoài sáng hơn so với trong nước, các công ty Mỹ cũng bắt đầu xây dựng nhà máy ở khắp nơi, ngoài nước Mỹ. Caterpillar vừa đầu tư xây 3 nhà máy mới ở Trung Quốc chỉ trong 2 tháng cuối năm 2010. Quyết định này được đưa ra căn cứ trên nhu cầu. Trong 9 tháng đầu năm 2010, doanh thu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Caterpillar tăng 38% trong khi ở Mỹ chỉ có 16%, nhờ đó, cổ phiếu của Caterpillar đã tăng 64% trong năm qua. Tương tự, trong 9 tháng đầu năm 2010, doanh thu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty DuPont tăng 50%, cao gấp 3 lần so với ở Mỹ, cổ phiếu của DuPont cũng tăng 48% trong năm qua. Sự chuyển đổi khu vực tăng trưởng của DuPont đã phản ảnh qua lực lượng lao động. Tính từ 1-2005 đến tháng 10-2009 lực lượng lao động ở Mỹ của công ty này đã giảm 9%. Trong khi đó, cùng thời gian này, lực lượng lao động của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lại tăng 54%.

Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế Mỹ cho biết, trong năm 2010, các công ty Mỹ đã tạo ra 1,4 triệu việc làm ở nước ngoài trong khi ở trong nước họ tạo ra chưa đến 1 triệu việc làm. Theo Robert Scott, nhà kinh tế cấp cao của viện nghiên cứu này, nếu các công ty tạo thêm 1,4 triệu việc làm tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ xuống còn 8,9%.

Một yếu tố then chốt để DuPont hướng việc tăng trưởng ra nước ngoài chính là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở khu vực này, đặc biệt ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc… Dự kiến đến năm 2015, lần đầu tiên lượng người tiêu dùng trung lưu của khu vực châu Á sẽ tương đương lượng người tiêu dùng của 2 khu vực châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại.

Mới đây, DuPont đã ra giá 6,3 tỷ USD để mua lại Công ty Danisco, chuyên về thực phẩm chế biến và công nghệ sinh học của Đan Mạch. Nếu thương vụ này thành công, việc làm sẽ được tạo thêm ở Đan Mạch chứ không phải ở Mỹ. Nhà kinh tế Homi Kharas, cựu kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, nhận định: “Trong 10 năm tới, tất cả mọi tăng trưởng đều diễn ra ở khu vực châu Á”.

Không chỉ chuyển hướng ra nước ngoài, các công ty lớn nhất của Mỹ còn mở rộng khu vực ngành nghề sử dụng lao động ở nước ngoài, từ kỹ thuật, bán lẻ cho đến chế tạo. Nitin Nohria, Chủ nhiệm khoa Trường Harvard Business, lo ngại xu hướng này có thể gây nguy hiểm cho kinh tế Mỹ. Ông Nitin Nohria kêu gọi các lãnh đạo doanh nghiệp cần tìm ra phương cách để kết nối sự tăng trưởng với tạo việc làm tại Mỹ.

Nhà kinh tế Sachs của Đại học Columbia cho rằng đối với các công ty đa quốc gia họ không có sự chọn lựa, đặc biệt trong tình hình lực lượng lao động toàn cầu ngày càng tiến bộ như hiện nay.

Tuy nhiên, những dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh hơn trong năm 2011 và mới đây, ngày 10-1-2011, nhà sản xuất ô tô Ford thông báo sẽ tuyển 7.000 lao động ở Mỹ trong vòng 2 năm tới. Đây là thông báo tuyển dụng số lượng lớn đầu tiên của năm 2011 và là một tin vui cho người lao động nước Mỹ.

NGỌC KHANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục