Thất thu thuế rất lớn từ hóa đơn “ma”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, trong cuộc trao đổi với chúng tôi sau khi xem bài viết Nở rộ “cò” hóa đơn, đăng trên trang 4 báo SGGP số ra ngày 25-12-2014.

Ông Nguyễn Đình Tấn nói: “Việc này ngành thuế đã biết từ lâu và thường phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn hành vi mua bán hóa đơn “ma” để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) và được hoàn thuế VAT theo quy định. Tuy nhiên, số vụ phát hiện được rất ít và luật pháp chúng ta xử rất nhẹ hành vi mua bán hóa đơn “ma” này. Cũng không ngoại trừ cán bộ, nhân viên thuế đã tiếp tay cho các DN hợp thức hóa các khoản chi phí từ các loại hóa đơn không hợp pháp. Không chỉ Nhà nước thất thu thuế rất lớn, mà nguy hiểm hơn là không biết đã có bao nhiêu tỷ đồng được hoàn thuế cho chính các đối tượng có hành vi gian dối này…”.

Để ngăn chặn tình trạng trên, ông Nguyễn Đình Tấn cho biết, thời gian qua Cục Thuế TP đã triển khai một loạt giải pháp như: tăng cường kiểm tra nội bộ; rà soát, bổ sung các quy định trong khâu quản lý DN, thủ tục quyết toán thuế, hoàn thuế VAT và phối hợp với cơ quan công an theo dõi, đấu tranh với các DN có hành vi mua bán hóa đơn “ma”. “Nếu phát hiện cán bộ thuế tiếp tay, hoặc bỏ qua, không xử lý các DN mua bán hóa đơn “ma”, chúng tôi sẽ xử lý ngay”, ông Tấn nói.

Trong khi đó, chúng tôi tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều DN về tình trạng mua bán hóa đơn “ma” hiện đang rất sôi động. Ông Nguyễn Văn, Giám đốc một DN, nói: “Càng đến cận ngày nộp quyết toán thuế năm theo quy định của ngành thuế (20-1), giá mua bán hóa đơn được đẩy lên đến 18%, 20% trên tổng giá trị. Các loại hóa đơn tiếp khách, văn phòng phẩm, tiếp thị, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm… được mua bán nhiều nhất với mỗi hóa đơn trị giá thấp nhất là 20, 30 triệu đồng. Có DN hợp thức hóa các khoản chi phí bằng các hóa đơn “ma” với giá trị lên đến cả tỷ đồng, nhưng không biết sao không bị phát hiện…”.

Với thực trạng trên, rõ ràng công tác giám sát, quản lý của ngành thuế hiện nay đang “có vấn đề”. Việc phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn của cơ quan chức năng như: công an, kiểm toán, thanh tra… thời gian qua cũng chưa có biện pháp hiệu quả, thậm chí không loại trừ hành vi tiếp tay, hoặc biết nhưng không xử lý. Nếu không có các biện pháp phối hợp đấu tranh giữa các ngành, các cấp, tình trạng mua bán hóa đơn “ma” sẽ khó có thể được ngăn chặn. Và hàng năm, một khoản thuế rất lớn của Nhà nước sẽ bị rơi vào túi những kẻ trục lợi, vi phạm pháp luật.     

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục