Thay đổi tư duy để phát triển “kinh tế xanh”

Phát triển bền vững cuộc cách mạng khoa học và công nghệ nhờ lợi thế đi sau, không những là việc cần làm để thực hiện mục tiêu xuyên suốt đã được đề ra, mà còn là yêu cầu cấp thiết. Nhưng làm việc đó bằng cách nào, lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên nào? - đó là nội dung cuộc trò chuyện dưới đây giữa TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với phóng viên Báo SGGP.
Thay đổi tư duy để phát triển “kinh tế xanh”

Phát triển bền vững cuộc cách mạng khoa học và công nghệ nhờ lợi thế đi sau, không những là việc cần làm để thực hiện mục tiêu xuyên suốt đã được đề ra, mà còn là yêu cầu cấp thiết. Nhưng làm việc đó bằng cách nào, lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên nào? - đó là nội dung cuộc trò chuyện dưới đây giữa TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với phóng viên Báo SGGP.

        Lợi thế đi sau

* PV: Thưa ông, tại phiên họp thường niên gần nhất của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (AIPA 34), Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và sau đó được chấp nhận về thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong đó có việc thành lập Trung tâm tăng trưởng xanh ASEAN. AIPA 34 ghi nhận “tăng trưởng xanh” hay còn gọi “kinh tế xanh” đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới nhằm thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời coi đây là công cụ để phát triển bền vững. Nói một cách khái quát, tại Việt Nam, “nền kinh tế xanh” đang ở bước nào?

* TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Thực ra, trừ những hoạt động riêng lẻ của các nhà bảo vệ môi trường thì thế giới cũng chỉ mới nhắc nhiều đến khái niệm này và bắt đầu hành động tích cực từ những năm 90 của thế kỷ trước, dù không phải bao giờ cũng tìm được tiếng nói chung. Đường hướng mỗi nước lựa chọn cũng rất khác nhau. Ở Việt Nam, vấn đề tăng trưởng xanh cũng mới được đặt ra vài năm trở lại đây. Chưa ai đưa ra một định nghĩa chính thức về “kinh tế xanh”, nhưng tôi quan niệm rằng trong một nền “kinh tế xanh”, sự tăng trưởng phải tạo ra được cân bằng sinh thái ở một mức độ mới. Sự cân bằng mới phục vụ đời sống con người đòi hỏi phải trả một giá nhất định để đầu tư vào những công trình, công việc nhằm khắc phục những tổn thất, thay đổi gây ra trong quá trình phát triển và đối phó với biến đổi khí hậu...

Các sản phẩm cây giống nuôi cấy mô tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Các sản phẩm cây giống nuôi cấy mô tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

* Chúng ta đã có một chiến lược hay đề án tổng thể nhằm phát triển nền “kinh tế xanh” hay chưa?

* Từng lĩnh vực cụ thể có thể có, nhưng chiến lược tổng thể thì chưa. Đây không phải việc có thể làm ngày một ngày hai; nhưng là việc bắt buộc phải làm. Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển dâng lên 50cm nữa thì chúng ta mất 22% diện tích đất hiện nay ở ĐBSCL. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu hiển hiện ở hiện tượng triều cường, xâm mặn... ngay trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là TPHCM.

* Người ta vẫn nói, để tham gia cuộc chơi “xanh” cần nguồn lực dồi dào, trong khi Việt Nam là một nước chưa giàu. Vậy Việt Nam có lợi thế gì trong lĩnh vực này, thưa ông?

* Nói thế cũng chỉ đúng 50% thôi. Đầu tư ban đầu để phát triển kinh tế theo hướng bền vững có thể tốn kém chi phí, nhưng nếu không quan tâm ngay từ đầu, đến lúc quay lại khôi phục môi trường, giải quyết hậu quả thì cái giá phải trả rất đắt. Chúng ta tuy chưa giàu, nhưng lại có lợi thế của người đi sau, có khả năng tận dụng được những thành quả của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, tránh được vết xe đổ từ những thất bại trong quá khứ.

        Đột phá từ nông nghiệp, năng lượng

* Lĩnh vực nào Việt Nam nên ưu tiên phát triển mô hình “kinh tế xanh”?

* Nông nghiệp là một. Nếu phát triển được mô hình sản xuất phù hợp, sản phẩm có năng suất cao, chất lượng cao, được người tiêu dùng chấp nhận thì giá trị sản phẩm nông nghiệp của chúng ta cao hơn rất nhiều so với hiện nay; thậm chí có thể đứng vào top 10 nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Tất nhiên, chỉ làm được như vậy khi phát huy được nhiều yếu tố, trong đó có việc mà tôi tạm gọi là “bàn tay sắt”.

* Cơ sở nào để ông lạc quan như vậy? Ông có thể lý giải rõ hơn lý thuyết “bàn tay sắt” ấy không?

* Mặc dù chưa được đầu tư thật lớn, thật bài bản, nhưng Việt Nam đã có những sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới về sản lượng như cà phê, thủy hải sản, lúa gạo, rau quả... Nếu thực hiện thành công việc công nghiệp hóa nông nghiệp như Israel đã làm được thì Việt Nam hoàn toàn có thể chi phối thị trường nông sản thế giới. Việc hợp tác với một số nước có trình độ cao trong lĩnh vực này, chẳng hạn vừa qua New Zealand hỗ trợ Việt Nam lai tạo giống quả thanh long cho kết quả tốt. Ở mức độ đơn giản hơn, tôi biết có những nhà đầu tư Nhật đã mang giống lúa đặc biệt của họ sang cho nông dân Việt Nam canh tác. Đó là loại lúa cho gạo đặc biệt, sử dụng cho người bị tiểu đường, bị bệnh gout, nếu làm thành công có thể bán với giá 60 - 80 USD một ký gạo chứ không phải chỉ vài đô la như hiện nay. Nhưng như tôi đã nói, muốn vậy phải có quy hoạch rất chính xác việc nuôi con gì, trồng cây gì, ở đâu, bao nhiêu là đủ... dựa trên những căn cứ khoa học cụ thể. Và phải có “bàn tay sắt”, tức là cơ quan quản lý Nhà nước phải có những biện pháp nghiêm khắc nhằm đảm bảo thực thi quy hoạch. Ví dụ như sản phẩm được sản xuất ở những vùng không đúng quy hoạch, không tuân thủ quy trình sản xuất sạch thì không được bán ra thị trường. Tất nhiên để người dân chấp nhận thực hiện, phải có biện pháp giải thích, vận động rõ ràng.

Một lĩnh vực khác hiện đang gây ra nhiều bức xúc, đó là sản xuất và phân phối năng lượng. Nếu quy hoạch được các khu dân cư hợp lý và có hỗ trợ tốt thì việc sản xuất năng lượng sạch từ rác thải, từ năng lượng tự nhiên như năng lượng gió, năng lượng mặt trời... đều có khả năng phát triển. “Hỗ trợ” ở đây không chỉ có việc Nhà nước cấp hoặc cho vay vốn giá rẻ để đầu tư ban đầu mà còn phải có cơ chế mua lại điện dùng thừa của dân hoặc phát triển các thiết bị lưu điện...

* Nhưng trên thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng, dường như phát triển xanh không thể “gói” trong địa giới hành chính?

* Đúng vậy. Do đó, khi đã quyết định đi theo mô hình “xanh” thì phải thay đổi toàn bộ tư duy về điều hành nền kinh tế. Đơn cử như việc giữ rừng. Đối với đồng bào dân tộc thượng nguồn thì nhiệm vụ của bà con là gì? Có phải là sản xuất lương thực, hàng hóa để đủ ăn, đủ tiêu dùng không? Hay là thực hiện chuyên môn hóa, bà con có trách nhiệm giữ rừng, phát triển rừng, trở thành những công nhân lâm nghiệp thời đại mới, bảo vệ môi trường sinh thái. Ngược lại, các tỉnh hạ nguồn có trách nhiệm cung cấp lương thực, hàng hóa lên vùng cao... Đã qua rồi cách thức tư duy bao cấp, phân chia ra mỗi tỉnh phải sản xuất ra được bao nhiêu cái kim khâu, bao nhiêu đôi dép... Mấu chốt của vấn đề là phát huy tối đa lợi thế của từng vùng.

* Cảm ơn ông!

Trên các cánh đồng lúa của các nước ở khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, khoảng 40% lượng phân bón bị lãng phí do không biết sử dụng đúng cách và 20% sản lượng mùa màng bị thất thoát ở các khâu sau thu hoạch như vận chuyển, bảo quản, chế biến...

BẢO ANH thực hiện

Tin cùng chuyên mục