
Trong thời gian qua, khủng hoảng tài chính toàn cầu luôn là chủ đề được mọi người đề cập, bàn luận nhiều nhất. Chính phủ các quốc gia trên thế giới thì “vắt chân lên cổ” tìm kiếm những giải pháp để bảo vệ nền kinh tế, đảm bảo cho cuộc sống người dân nước mình không bị xáo trộn. Còn những chuyên gia về kinh tế thì lại tìm thấy những điểm đáng quan tâm về nỗ lực giải cứu tài chính toàn cầu, sự thiết lập trật tự thế giới mới…
Nỗ lực tập thể

Tại hội nghị G7 tổ chức tại Washington, các nước đồng lòng vượt qua khủng hoảng.
Điểm tích cực, điểm sáng nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính lần này là các cường quốc hàng đầu thế giới đã cam kết đồng lòng, chung sức cùng giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng hệ thống tài chính toàn cầu đang ở bên bờ vực sụp đổ.
Sau cuộc họp của các “ông lớn” ngày 10-10, các nước mới nổi đã tới thủ đô Washington (Mỹ) để tham dự các cuộc đàm phán của nhóm 20 nước (G20) bên lề hội nghị hàng năm của IMF. Các nước trong nhóm G20 – đang chiếm khoảng 85% giá trị kinh tế toàn cầu - tuyên bố rằng nhóm thống nhất đem “toàn bộ công cụ tài chính và kinh tế” để ổn định hệ thống tài chính toàn cầu.
Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn vui mừng thông báo về việc các thành viên IMF lần đầu tiên cam kết hợp tác để ổn định khu vực tài chính toàn cầu. Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, G20 và các thành viên IMF đều ủng hộ kế hoạch hành động 5 điểm nhằm ổn định hệ thống tài chính toàn cầu. Kế hoạch này chưa rõ ràng về các chi tiết và không có khung thời gian, nhưng các nước cam kết sẽ ủng hộ các thể chế quan trọng, thực hiện các biện pháp nhằm giúp hệ thống tín dụng lưu thông, hỗ trợ các ngân hàng trong việc huy động vốn và tái đảm bảo với những người gửi tiền tiết kiệm…
Trật tự thế giới mới
Khác với những cuộc khủng hoảng tài chính từng có như: vấn đề nợ xấu ở Mỹ Latinh những năm 1980, khủng hoảng tiền tệ ở Nga, châu Á cuối những năm 1990, cuộc khủng hoảng tài chính lần này thị trường các nước đang phát triển lại ít bị tác động và có sự cân bằng tốt hơn. Trong khi đó cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và các nước châu Âu đang phải đương đầu với “cơn bão” khủng hoảng. Alex Patelis, Trưởng bộ phận kinh tế quốc tế tập đoàn Merrill Lynch Mỹ, đã phải thốt lên rằng: “Thật hết sức bất ngờ khi các vai trò bị đảo ngược trong nền kinh tế toàn cầu.
Các nền kinh tế mới nổi - vốn là những nhân tố điển hình trong việc tạo ra những rắc rối trong nền kinh tế toàn cầu - thì nay lại đóng vai trò là những người cho vay. Một trật tự tài chính thế giới mới có thể sẽ sớm diễn ra do những tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay”. Theo các nhà phân tích kinh tế, với việc Trung Quốc và các thị trường châu Á khác đã cung cấp phần lớn lượng tiền mặt để giữ cho nền kinh tế Mỹ ổn định có thể gửi đi một thông điệp về việc tái cơ cấu một trật tự kinh tế thế giới mới tại những tổ chức như World Bank (WB) và IMF.
Chủ tịch WB Robert Zoellick đã ủng hộ một cách mạnh mẽ về một “nhóm điều phối chỉ đạo” bao gồm các quốc gia sẽ thay thế sự thống trị của các cường quốc phương Tây tại WB và IMF. Các nước đang phát triển cũng không tránh khỏi tác động của những cú sốc thị trường tài chính lần này nhưng với lượng dự trữ tiền mặt khổng lồ và ít chịu tác động của việc thị trường cầm cố của Mỹ đi xuống, các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đã hạn chế được tổn thất. Viện Khoa học Xã hội của Trung Quốc dự đoán rằng - tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt 9,5% vào năm tới, trong khi các nền kinh tế phương Tây khác vẫn đang vật lộn với các cuộc suy thoái.
Sự bất lực của các tổ chức tài chính
Với tiêu đề “IMF đóng vai trò gì hiện nay?”, mạng tin IPS đã có bài bình luận về sự “kém cỏi” của IMF trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Hiện IMF có thể trở thành biểu tượng chấm dứt một chu kỳ phát triển và nhu cầu thiết lập một hệ thống tài chính mới thích hợp hơn cho một trật tự thế giới mới. Cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Brazil, Carlos Thadeu de Freitas, cho rằng “IMF cần được tổ chức lại” và cần có một chức năng mới trong thời kỳ mới như là một tổ chức kết hợp tất cả những quy định của quá trình toàn cầu hóa, tránh tình trạng “ai thích gì làm nấy” như những gì đang diễn ra hiện nay.
Trong khi đó, giáo sư kinh tế Ricardo Carneiro của Trường Đại học Campinas, nhấn mạnh hệ thống tài chính tại nhiều nước trên thế giới đang bị hủy hoại và cần thiết phải có một giải pháp tài chính riêng cho từng quốc gia, rồi sau đó trên cơ sở những gì còn lại, phát minh một mô hình tài chính mới cho thế giới. IMF đã mất đi “tiếng nói” quan trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng hiện nay và cũng không đủ khả năng để hỗ trợ các nước.
Còn về Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã nỗ lực hết sức để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính bằng cách hỗ trợ thị trường tiền tệ và cắt giảm lãi suất, tuy nhiên quyền lực của ECB là rất hạn chế. ECB có thể đưa ra chính sách tiền tệ bằng việc quyết định giá và nguồn cung tiền cho 320 triệu công dân, nhưng họ không có tiếng nói trong việc sử dụng tiền của người đóng thuế vốn đang nằm trong tay của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và là chìa khóa để giải quyết khủng hoảng.
ANH VĂN (Tổng hợp)