Không chỉ tích cực trong công tác giảng dạy bộ môn âm nhạc tại trường làng và âm thầm sáng tạo nghệ thuật… thầy giáo Cill Pame Raby (sinh năm 1978, dân tộc Churu) ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng còn mở lớp dạy đàn organ miễn phí cho đông đảo thanh thiếu nhi tại địa phương.
Sau nhiều cú điện thoại và những cuộc hẹn bất thành, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được thầy giáo Cill Pame Raby tại nhà riêng ở thôn Suối Thông A2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương). Thật bất ngờ! Trước mắt chúng tôi, lớp học đàn organ miễn phí do Cill Pame Raby dạy không phải chỉ có 15-20 em mà có khoảng 80 thanh thiếu nhi, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Với Cill Pame Raby, được làm một điều gì đó cho con em đồng bào mình, được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vì tương lai của trẻ em huyện nhà là một niềm hạnh phúc.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Thể dục-Nhạc-Họa Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm 2002, thầy giáo trẻ Cill Pame Raby về nhận công tác trên chính quê hương của mình - Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương. Năm 2005, Cill Pame Raby xin chuyển về Trường THCS Đạ Ròn và giảng dạy bộ môn âm nhạc mãi cho đến nay.
Thời gian này, vừa giảng dạy, Cill Pame Raby vừa tham gia lớp đào tạo chuyên sâu và đến năm 2014 thì tốt nghiệp Khoa âm nhạc khóa 1, do Trường Cao đằng Sư Phạm Đà Lạt liên kết với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Tâm huyết với nghề và kiên định theo con đường mà mình đã chọn, Cill Pame Raby đã có những đóng góp đáng kể cho hoạt động giáo dục và đào tạo cũng như phong trào Đoàn - Đội tại địa phương, được các thầy cô giáo và các em học sinh của trường tin yêu, quý mến; được các ngành chức năng tại địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
Lớp dạy đàn organ miễn phí cho các đối tượng thanh thiếu nhi của thầy giáo Cill Pame Raby trong dịp hè 2015
“Ngành văn hóa huyện Đơn Dương được một số anh em hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật trở về địa phương công tác, cống hiến và đóng góp cho huyện nhà nhiều thành tích đáng kể, trong đó có Cill Pame Raby. Thầy giáo Cill Pame Raby là một thanh niên dân tộc thiểu số có tài năng cả trên lĩnh vực hòa âm phối khí, soạn nhạc, nhạc công, biên đạo và đạo diễn chương trình… Không những thế, Cill Pame Raby còn giúp địa phương trong công tác đào tạo những tài năng trẻ, nối tiếp lớp cha anh đi trước tạo ra một thế hệ thực sự gắn bó và đam mê âm nhạc để cống hiến cho quê hương Đơn Dương” - ông Đặng Huệ Chí, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Đơn Dương khẳng định.
Không chỉ truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm và những kỹ năng âm nhạc; bồi dưỡng năng khiếu cho các em, Cill Pame Raby còn góp phần rèn luyện thể chất và hình thành kỹ năng sống giúp các đối tượng thanh thiếu nhi tại địa phương tự tin hơn và từng bước hoàn thiện bản thân mình trong cuộc sống. Tận tụy với công việc, yêu thương và sẻ chia trước những hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh vùng nông thôn... thầy giáo làng này đã tạo dựng được một hình ảnh đẹp và cả niềm tin yêu từ phía các bậc phụ huynh học sinh.
Thầy giáo Cill Pame Raby chăm chút cho những mầm non tương lai
Ông Trần Quốc Thái, một phụ huynh ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, phấn khởi nói: “Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác ở đây rất tin tưởng và yên tâm khi gửi gắm con em mình theo học lớp đàn organ của thầy giáo Cill Pame Raby. Trong mỗi dịp hè, ngoài việc giúp các cháu có cơ hội phát triển năng khiếu âm nhạc của mình, Raby còn giúp các cháu tránh xa những cám dỗ, những thú vui vô bổ mà tuổi trẻ hiện nay thường hay mắc phải”.
Chẳng những mở lớp giảng dạy bộ môn âm nhạc và tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, thầy giáo Cill Pame Raby còn âm thầm sáng tác những nhạc phẩm viết về tình thầy trò, quê hương, đất nước, về Tây Nguyên hôm nay… với những giai điệu tươi trẻ và đầy cá tính sáng tạo. Đến nay, Cill Pame Raby đã sáng tác được khoảng 10 ca khúc và một số nhạc phẩm không lời viết riêng cho đàn piano. Nổi bật trong số đó là nhạc phẩm Giai điệu Tây Nguyên đã được Bộ Giáo dục-Đào tạo trao giải nhất tại Liên hoan piano kỹ thuật số dành cho giáo viên và học sinh khối mầm non, tiểu học và THCS năm học 2011-2012 và năm học 2013-2014.
Những cống hiến thầm lặng của thầy giáo trẻ người đồng bào dân tộc Churu này thật đáng trân trọng.
LÊ TRỌNG