Thầy giáo Phạm Thế Vinh, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình: Chấp cánh gương hiếu học

Hơn 38 năm gắn bó sự nghiệp trồng người, bao thế hệ học trò đã trưởng thành từ những bài giảng và giờ đây khi mái tóc đã nhuốm màu bụi phấn, thầy Phạm Thế Vinh, giáo viên môn Toán Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình, TPHCM vẫn say sưa trên bục giảng với một tình yêu nghề bền bỉ.
Thầy giáo Phạm Thế Vinh, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình: Chấp cánh gương hiếu học

Giải thưởng Võ Trường Toản - Tôn vinh những tấm gương thầy cô giáo tiêu biểu

Hơn 38 năm gắn bó sự nghiệp trồng người, bao thế hệ học trò đã trưởng thành từ những bài giảng và giờ đây khi mái tóc đã nhuốm màu bụi phấn, thầy Phạm Thế Vinh, giáo viên môn Toán Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình, TPHCM vẫn say sưa trên bục giảng với một tình yêu nghề bền bỉ.

        Bức thư của người học trò sau 25 năm

“Kính gửi thầy. Thưa thầy, đã 25 năm kể từ ngày rời lớp học do thầy làm chủ nhiệm. Vì không có điều kiện nên hôm nay em mượn những dòng chữ này gửi đến thầy lời tri ân sâu sắc…”. Bức thư dài 8 trang của cô học trò cũ được thầy Vinh cất giữ cẩn thận trong chiếc cặp đi dạy học của mình. Cầm những trang thư đã ngả vàng vì nắng mưa theo con đường đến trường của mình, thầy Vinh tâm sự: “Em ấy bây giờ là giáo viên mầm non. Vì hoàn cảnh, điều kiện gia đình không cho phép nên việc học của em nhiều lần bị gián đoạn nhưng chưa bao giờ, em nghĩ mình sẽ bỏ cuộc giữa chừng việc học của mình. Có thể mọi người nghĩ học vị của em không quá cao nhưng đó thật sự là một tấm gương sáng mà tôi rất muốn học trò của mình noi theo”.

Thầy Phạm Thế Vinh trên bục giảng.

Thầy Phạm Thế Vinh trên bục giảng.

Từng trải qua thời đi học nghèo khó, có lẽ vì vậy mà hơn ai hết, thầy Vinh càng hiểu rõ và quý trọng những gương sáng hiếu học như cô học trò nhỏ của mình năm nào. 38 năm đứng trên bục giảng, thầy không những truyền dạy cho học trò mình kiến thức mà còn dạy cho các em bài học làm người, về ý chí vươn lên trong cuộc sống bằng con đường học tập. Bao cây non được tưới mát từ những lời giảng của thầy và rồi chúng lại trưởng thành, lớn lên tỏa bóng mát cho đời, chở che những mầm non khác. Có lẽ, đó là điều hạnh phúc nhất của một người cả đời tận tâm với nghề, hết lòng vì học trò như thầy giáo Phạm Thế Vinh.

        Duyên nghề giáo

Ít ai biết, mối lương duyên nghề giáo lại xuất phát từ quãng đời sinh viên nghèo khó của thầy Vinh. Ngày ấy, ở mảnh đất Kiên Giang có cậu học trò dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng vẫn cố gắng bám lớp, bám trường. Cậu học giỏi và đặc biệt say mê Toán học. Sau bao nỗ lực, cố gắng, cậu học trò ấy đã thi đỗ vào khoa Toán, Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM). Để có tiền cho con lên Sài Gòn học, ba mẹ cậu đã phải bán đi mảnh ruộng, gia tài quý giá nhất của gia đình. Còn cậu, ròng rã suốt những năm tháng sinh viên đã vừa học vừa đi làm gia sư môn Toán để có thêm tiền đỡ đần gia đình. Và rồi đến ngày tốt nghiệp ra trường, cậu nhận ra nghề dạy học thật sự phù hợp với mình và đã yêu nó lúc nào không biết. Vậy là cậu sinh viên ĐH Khoa học Sài Gòn ngày ấy đã quyết định đi theo con đường giảng dạy, trở thành thầy giáo dạy Toán.

Thầy Vinh kể: “Tôi chọn nghề giáo một phần vì thấy hợp với mình, một phần vì đó là mong muốn của bố tôi. Thời ấy, chuyện học hành xa vời với người dân quê tôi lắm, ai biết chữ đã là một cố gắng lớn rồi. Bố mẹ tôi thì khác, tuy là nông dân nghèo, quanh năm chỉ biết ruộng đồng nhưng hai người lúc nào cũng mong muốn con cái học hành đàng hoàng, khổ cực bao nhiêu cũng chịu chứ nhất quyết không để con thất học”. Tốt nghiệp ĐH, thầy Vinh được phân về dạy ở Trường THCS Phan Bội Châu (thuộc quận Tân Phú bây giờ). Khi ấy thầy vừa 21 tuổi, bao nhiệt huyết tuổi trẻ tràn đầy, dẫu cho ngày ấy đất nước vừa mới thống nhất bao gian khó chồng chất.

        Chữ tâm của người thầy

Cho đến giờ, dù đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng thầy Vinh vẫn nhớ như in những kỷ niệm dạy học ở thời bao cấp. Ngày ấy, thiếu thốn trăm bề, thầy và đồng nghiệp nhiều ngày liền phải ăn bo bo thay gạo, cơ thể bị suy nhược nên thầy đã bị ngất xỉu ngay sau giờ lên lớp. Nhưng có lẽ khó khăn nhất trong cuộc đời đi dạy của thầy là quãng thời gian vợ thầy vì con nhỏ thường ốm đau, phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Vậy là mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông cậy cả vào tiền lương ít ỏi của thầy. Lúc ấy, để kiếm thêm thu nhập, ngoài giờ lên lớp, thầy làm thêm nghề sửa chữa đồ điện máy, ti vi. Khó khăn là vậy nhưng ngày ngày, người thầy trẻ ấy vẫn đứng trên bục giảng với tất cả lòng yêu nghề và trách nhiệm của một nhà giáo, hy vọng có thể giúp những học trò nghèo vùng ven đô tiếp tục con đường học vấn, trở thành người có ích cho xã hội.

Và công sức của thầy Vinh đã được đền đáp khi những học trò vùng ven Sài Gòn ngày ấy, giờ đã có nhiều người thành đạt, có học vị cao trong xã hội và không ít trong số đó đã tiếp nối sự nghiệp trồng người của thầy. Về sau, khi chuyển đến Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình, TPHCM, thầy Vinh đã có nhiều đóng góp trong việc bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ học sinh giỏi Toán của trường. Dưới sự dìu dắt của thầy, có 20 em học sinh đã đoạt giải học sinh giỏi Toán cấp TP, trong đó có 2 thủ khoa và nhiều giải nhất.

Khi được hỏi về thành tích, thầy Vinh luôn từ chối trả lời, bởi theo thầy, đó là công lao của toàn thể giáo viên tổ Toán, nếu các thầy cô lớp dưới mà không tạo cho học sinh nền tảng kiến thức vững chắc thì thầy cũng khó lòng mà dạy cho các em. Thầy Vinh chia sẻ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, mỗi lần được dạy bồi dưỡng cho các em học sinh giỏi, tâm trạng của tôi luôn phấn khởi. Các em rồi sẽ là tương lai của nước nhà, không vui sao được nếu mình được góp phần dìu dắt các em. Nhưng tôi cũng luôn tâm niệm, không phải em học sinh nào cũng có điều kiện hay tố chất để con đường học vấn được suôn sẻ. Vì vậy, người thầy cần phải quan tâm đến những học sinh như thế nhiều hơn nữa”.

BẢO UYÊN

>> Thầy giáo Lê Hồng Phong, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM: Hạt ngọc lấp lánh

Tin cùng chuyên mục