“Thầy Hưng la-de”

“Thầy Hưng la-de”

Nhà ông bà tuy chưa được giàu sang nhưng có đủ “kỳ hoa dị thảo”. Sau nhà là vườn cây của bà, trước nhà là vườn hoa của ông. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” mà sớm sớm chiều chiều ông bà vẫn sóng đôi dạo vườn ngắm hoa, chuyện trò đằm thắm như thể ngày nào còn son trẻ.

Bà nói rằng: Cả những lúc khó khăn cho đến khi đời sống đã khá lên chút ít, bà luôn chia sẻ với ông những gì ông muốn, hoặc bà cảm thấy... ông cần. Thời gian rảnh rỗi bà nấu cho ông món bún mọc, bánh cuốn để ông “lên cân”. Ông thì nói: Chưa bao giờ ông gia trưởng với bà kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Bù lại, bà luôn đối với ông “tương kính như tân” là điểm tựa để ông vượt lên số phận lúc đắng cay cũng như khi tỏa sáng.

Thầy thuốc ưu tú - lương y Lê Hưng trong lễ đón nhận Huân chương lao động hạng ba.
Thầy thuốc ưu tú - lương y Lê Hưng trong lễ đón nhận Huân chương lao động hạng ba.

Những lớp học trò đất Thủ Dầu Một do thầy Hưng giảng dạy nay nhiều người đã thành đạt, giữ trọng trách lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Bình Phước, mỗi khi gặp lại được nghe giọng nói nhỏ nhẹ, chân tình, cử chỉ thân thiện cởi mở, gần gũi của người thầy giáo xưa, bỗng như thấy mình sống lại tuổi học trò. Họ chăm chú lắng nghe và thật hạnh phúc, vô tư đặt ra với thầy những câu hỏi về nghề nghiệp, cuộc sống, cả trăn trở bức xúc trước những vấn đề xã hội hôm nay... Người thầy giáo, thầy thuốc già lại chia sẻ với học trò của mình kinh nghiệm lập thân, lập nghiệp, tích lũy kiến thức, thích nghi với đời sống xã hội. Ông luôn bảo những người học trò đã trưởng thành của mình: “Khi làm bất cứ việc gì các em phải giữ cho mình một chữ TÂM. Sống không có TÂM không phải là người”. Ông Hưng nói với học trò những điều ông đã từng chiêm nghiệm rút ra từ bản thân.

Cuộc sống đời thường của nghề dạy học, thầy thuốc đã dạy ông bao điều để nghĩ, để làm, bất cứ việc gì cũng phải đào sâu suy nghĩ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu từ sách vở đến tìm hiểu thực tế và chỉ khi nào sự việc sáng tỏ mới được nói và làm.

Ông tự nhủ với lòng mình: việc gì cũng cần, cũng quan trọng, nhất là nghề dạy học và nghề chữa bệnh cứu người lại càng không được phép qua loa, đại khái, nôn nóng mong muốn làm được tất cả mọi việc cùng một lúc. Cái gì cũng cần phải có thời gian nghiên cứu chuyên sâu, tích lũy và rút tỉa kinh nghiệm. Trong đời làm thầy ông đã dạy cho học trò đúng như những gì ông nghĩ, không chỉ bằng lời nói và bằng cả những việc ông làm.

Bởi thế nên cái tên “Thầy Hưng la-de” mà mọi người trìu mến gọi ông không chỉ còn là một danh từ mà đã trở thành tính từ tôn vinh người con của Đất Thủ nhiệt huyết với nghề dạy học, chữa bệnh cứu người, một trong những bậc lão thành có công xây dựng Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) và sáng lập ngành khoa học chữa bệnh bằng la-de y học.

Cho đến nay, mặc dù tuổi cao sức yếu và đã về hưu “Thầy Hưng la-de” vẫn miệt mài nghiên cứu các bài thuốc YHCT, khoa học châm la-de và ứng dụng kinh dịch vào chữa bệnh, viết sách báo phổ biến kinh nghiệm và trực tiếp chữa bệnh phục vụ sức khỏe nhân dân. Ông Hưng cho rằng “cuộc đấu tranh tư tưởng” chuyển từ nghề dạy học sang nghề thầy thuốc đối với ông quả là cuộc đấu tranh gay go, bởi ông yêu thích cả hai nghề.

Với cương vị tổ trưởng bộ môn Toán - Lý Trường Lâm nghiệp Trung ương 2, con đường thăng tiến đang rộng mở, ông được bạn bè và lãnh đạo tỉnh Sông Bé “rủ rê” xin về tỉnh để xây dựng bệnh viện YHDT. Họ thấy rõ ông cũng yêu thích nghề thuốc và hơn thế nữa ông nội, bác ruột ông là thầy thuốc mang gen từ đất cụ Hải Thượng Lãn Ông. Sau gần tháng trời cân nhắc: bỏ nghề dạy học có “phản bội” không? Dù sao nghề giáo đội ngũ đã tương đối hùng mạnh và sẽ ngày càng hùng mạnh vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học.

Còn nghề thầy thuốc YHCT hiện mới ở dạng sơ khai, nhiều kinh nghiệm chữa bệnh, bài thuốc quý của dân tộc đang bị mai một. Nhưng chữa bệnh bằng thuốc nam theo kinh nghiệm YHCT là một phương sách giúp người nghèo ít tốn kém, đạt hiệu quả cao. Về với nghề thầy thuốc cũng chưa hẳn ông bỏ nghề dạy học mà còn nối được nghiệp cha ông. Suy nghĩ cặn kẽ mọi nhẽ ông Hưng mới quyết định chuyển nghề...

Thế là từ thầy thuốc “nghiệp dư” ông Hưng đã 100% trở thành thầy thuốc chuyên nghiệp với cương vị trưởng phòng y vụ, rồi trưởng phòng kế hoạch - tổng hợp khi mới thành lập, sau là Phó Giám đốc Bệnh viện YHDT tỉnh Sông Bé.

Ông Hưng đã không tiếc công sức đóng góp trí tuệ để xây dựng bệnh viện từ không đến có, trở thành bệnh viện “nổi danh” của vùng đất Đông Nam bộ. Nhờ sự sốt sắng của ông mà phong trào vườn thuốc từ gia đình đến các trạm y tế được khôi phục và phát triển, ý thức sử dụng thuốc nam, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền được đề cao...

Ông chính là tấm gương về nghiên cứu học tập, nâng cao y đức đối với các thầy thuốc trẻ, nhất là việc nghiên cứu áp dụng các bài thuốc cổ truyền, Đông Tây y kết hợp. Nhiều bài thuốc do ông nghiên cứu và hiến để chữa bệnh cho cộng đồng như: “Hoạt lạc tỵ uyên phương” chữa viêm xoang, “Nguyên dương hồi cực hoàn” chữa đau khớp, “Cửu trân dưỡng âm cao” chữa tiểu đường tuýp II... đạt hiệu quả cao được nhiều người tin dùng... Tất nhiên, những gì ông Hưng đóng góp cho y học dân tộc Bình Dương thật xứng đáng với danh hiệu Thầy thuốc ưu tú mà Nhà nước phong tặng.

Riêng người Bình Dương - họ vinh danh sự đóng góp của ông trong lĩnh vực nghiên cứu tổ chức phong trào ứng dụng quang châm la-de y học vào chữa bệnh. Thành quả của nó đã không còn bó hẹp ở Bình Dương mà lan tỏa tới nhiều tỉnh thành trong nước, tập hợp được nhiều nhà khoa học, tổ chức, cá nhân tham gia...

Những năm 90 của thế kỷ trước, do nhận thức và công tác tuyên truyền sự lây nhiễm HIV/AIDS của ta còn nhiều bất cập, người dân dị ứng với châm cứu, nhu cầu điều trị bằng kỹ thuật la-de rất lớn. Bệnh nhân Bình Dương phải lên TPHCM điều trị, khó khăn về đi lại, nơi ăn ở rất lớn. Ở Bình Dương, chỉ có 20 thầy thuốc hiểu biết chút ít về kỹ thuật la-de y học do nhóm thầy thuốc Vương Sanh, Lê Hưng, Thái Văn Minh làm nòng cốt cũng đã dùng thiết bị la-de HE-N E công suất thấp dải sóng đỏ chữa các bệnh tai mũi họng, thiết bị la-de bán dẫn công suất thấp dải sóng hồng ngoại chữa bệnh thay châm cứu cho kết quả tốt.

Sau thời gian dài trăn trở đi đến kết luận phải tìm ra giải pháp thích hợp với yêu cầu, vừa tận dụng được hiệu quả chữa bệnh bằng các thiết bị của khoa châm cứu truyền thống, kết hợp kiến thức của la-de y học để nâng cao hiệu quả chữa bệnh bằng YHCT, giải trừ được “ám ảnh” nhiễm HIV/AIDS trong nhân dân... Giải pháp sử dụng tia la-de công suất thấp tác động lên huyệt vị châm cứu vừa không gây đau, không tổn thương da thịt gây nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi... cho người bệnh ra đời từ đó.

Hiện tại Hội La-de y học Bình Dương có 435 hội viên với đội ngũ 13 giáo sư - tiến sĩ, 38 thạc sĩ, 77 đại học, 307 tú tài (lương y, lương dược, kỹ thuật, điều dưỡng viên trung cấp). Theo bác sĩ Thái Văn Minh, Thầy thuốc ưu tú, Phó Chủ tịch hội, nhờ vào uy tín và đóng góp hết mình của Chủ tịch hội Lê Hưng nên mới tập hợp đông đảo nhiều nhà khoa học tài ba của cả nước cống hiến cho Bình Dương. Như đề tài “La-de công suất thấp hỗ trợ cai nghiện ma túy” do lương y Trần Đình Hợp và các cộng sự thực hiện, kinh phí của Sở KH-CN tỉnh Bình Phước tài trợ.

Đề tài “La-de công suất thấp phối hợp dược liệu trinh nữ hoàng cung chữa phì đại tuyến tiền liệt” của nhóm hội viên Nguyễn Xuân Trường, Cao Tấn Tiếng đồng chủ nhiệm, kinh phí của Sở KH-CN Đồng Nai tài trợ. Đề tài “La-de công suất thấp đa bước sóng hồng ngoại chữa bệnh viêm xoang” do hội viên Lê Lã Vương Linh chủ nhiệm đề tài, thực hiện tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Dự án triển khai ứng dụng la-de công suất thấp điều trị các chứng bệnh thông thường tại tuyến y tế xã phường đạt chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh do nhóm hội viên Thái Văn Minh, Nguyễn Văn Đức đồng chủ nhiệm, kinh phí của Sở KH-CN Bình Dương tài trợ...

Theo bác sĩ Thái Văn Minh, chính lòng say mê nghề nghiệp của Chủ tịch hội Lê Hưng và đội ngũ ở đây với nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng mang lại hiệu quả cao mà Hội La-de y học Bình Dương ngày càng được nhân dân trong tỉnh và các địa phương khác, nhất là giới y học cùng chí hướng đánh giá cao. Lương y Lê Hưng được Trường Đại học Bách khoa TPHCM mời tham gia tư vấn, phản biện 3 đề tài nghiên cứu khoa học về la-de và thẩm định một đề tài về đông y.

Lương y Trần Đình Hợp được Bệnh viện Bình Định mời tư vấn về kỹ thuật la-de quang châm cắt cơn đói ma túy; Bệnh viện Lộc Ninh (Bình Phước) mời tư vấn về la-de nội mạch tai biến mạch máu não. Đề tài “Ứng dụng la-de bán dẫn công suất thấp cắt cơn ma túy” của bác sĩ Trần Đình Hợp được giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương năm 2005. Các hội viên Lê Vương Duy, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Lã Vương Linh, Cao Tấn Tiếng được mời báo cáo các chuyên đề về la-de châm tại Hội nghị khoa học công nghệ lần thứ 9 của Trường Đại học Bách khoa và Hội Vật lý TPHCM...

Khi được hỏi sự đóng góp của ông để hình thành Hội La-de y học Bình Dương, ông Hưng ít nói về mình mà quay qua đánh giá về thành công của hội từ khi thành lập đến nay đã có bước tiến mới cả trên hai lĩnh vực nghiên cứu và điều trị. Đó là bước đầu phổ cập kiến thức cơ bản về kỹ thuật la-de để cộng đồng am hiểu hơn phục vụ điều trị cho 4 chuyên khoa: đông y châm cứu, ngoại khoa thẩm mỹ, tai mũi họng và da liễu đạt hiệu quả cao.

Hai là triển khai tốt việc ứng dụng công nghệ la-de y học công suất thấp cho các thầy thuốc tại các cơ sở chữa bệnh tuyến cơ sở góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Từ năm 2000 đến nay, các cơ sở của hội đã điều trị bệnh bằng quang châm la-de cho hàng chục vạn lượt bệnh nhân, trong đó có 61.000 lượt bệnh nhân nghèo được điều trị miễn phí trị giá hơn tỷ đồng... Ông Hưng nói đó là điều ông vui nhất.

Đầu xuân Kỷ Sửu 2009, tôi có dịp thăm ông bà Lê Hưng – hai nhà giáo “một cuộc đời”, thấy ông lụi cụi với sách vở, báo chí. Bà Dung chỉ vào đống sách của ông nói với tôi: “Anh thấy đấy, lúc nào ông ấy cũng loay hoay với sách vở, bài thuốc mà thôi”. Ông Hưng cười quay qua “chọc” lại bà: “Dễ tôi cứ phải mê bà mãi chắc. Có mau giúp tôi ly cà phê, ấm trà đãi khách không”. Ông phủi tay ngừng việc quay sang với tôi: “Được Nhà nước phong tặng là Thầy thuốc ưu tú, tôi càng ước gì mình có được nhiều thời gian để đóng góp cho nền y học nước nhà”.

Ông nói việc ông được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú còn nhờ công lao của nhiều người: “Nếu không có các cộng sự cùng chí hướng, cùng lao tâm khổ tứ như lương y Vương Sanh, bác sĩ Thái Văn Minh, lương y Trần Đình Hợp... hoặc không có sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo tỉnh, không có sự đồng lòng của anh em hội viên hỗ trợ hết mình thì một mình tôi không làm được”.

Khi đi dạo cùng ông bà ở khu vườn sau nhà, hai ông bà lại kể cho tôi nghe về tình yêu, những gì ông bà đã đi qua và chuyện ông viết sách “thể dục nhiếp sinh”, “Phong hòa thủy tú”, “Tâm thiền lẽ dịch xôn xao”. Người đọc sẽ hiểu rõ hơn về cuộc sống “dĩ bất biến ứng vạn biến”, hiểu rõ hơn về “Thái cực sinh lưỡng nghi - Lưỡng nghi sinh tứ tượng - Tứ tượng sinh bát quái”. Từ đó người ta có thể ứng dụng để tìm hiểu về khí hậu, khí tượng, nông nghiệp, y học, phong thủy, kinh tế, xây dựng... qua đó điều chỉnh “tối ưu hóa” hành động của mình, giúp cho việc đối nhân xử thế tốt đẹp hơn. 

NGUYỄN TRỌNG ĐẠT

Tin cùng chuyên mục