Trong năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4-2015, Ấn Độ sẽ bơm vào hệ thống các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước 79,4 tỷ rupee (1,3 tỷ USD), thấp hơn so với ước tính của tập đoàn đánh giá tín dụng Fitch có chi nhánh tại Ấn Độ khoảng 200 tỷ rupee.
Theo phân tích của Fitch, trong bối cảnh các ngân hàng nhà nước Ấn Độ đang chịu áp lực để nâng cao lợi nhuận, cắt giảm các khoản nợ xấu và tạo ra một lĩnh vực năng động để tiếp nhiên liệu cho con tàu tăng trưởng kinh tế của đất nước, động thái này cho thấy Chính phủ Ấn Độ không đề cao trọng tâm cải cách lĩnh vực ngân hàng bằng nguồn vốn.
Trong một lần kêu gọi cải cách lĩnh vực ngân hàng, Bộ trưởng tài chính Ấn Độ Jayant Sinha nhấn mạnh, bên cạnh việc trao thêm quyền tự quyết cho các ngân hàng nhà nước, chú ý tìm kiếm tài năng sẽ quan trọng hơn là huy động vốn để đáp ứng các quy định quốc tế. Tuyên bố được đăng trên Reuters ngày 1-4, bà Arundhati Bhattacharya, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Ấn Độ (SBI) - tổ chức tài chính cho vay lớn nhất nước cho biết, thể chế này sẵn sàng cho cuộc thay máu, mà tập trung chính vào đối tượng con người.
Bản thân SBI cũng đang vật lộn với nhiều vấn đề cơ bản khác nhau như lương thấp, khan hiếm đội ngũ quản lý cấp cao. Ngân hàng này đã dự đoán giai đoạn 2010-2020 là “thập niên hưu trí”. Cho dù đã tuyển dụng hơn 215.000 người, SBI cũng đang làm việc với chính phủ để phá vỡ một phán quyết của tòa án năm 2013 cấm các ngân hàng nhà nước tuyển dụng nguồn nhân lực tại các trường đại học ưu tú của Ấn Độ, dùng hợp đồng để lôi kéo các chuyên gia ngân hàng…
Sau nhiều năm cho vay dễ dàng do đội ngũ thẩm định yếu kém và áp lực cấp vốn cho các dự án hạ tầng cơ sở có nhiều rủi ro, tỷ lệ nợ xấu trung bình của hệ thống các ngân hàng nhà nước nhiều hơn gấp đôi so với các đối tác tư nhân khác. Chỉ ít tháng sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bắt tay vào cuộc cải cách mạnh mẽ nhất từ trước đến nay trong lịch sử nền kinh tế Ấn Độ với việc đặt trọng tâm cải cách vào lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế là hệ thống ngân hàng.
Tháng 2 vừa qua, lần đầu tiên, chính phủ của Thủ tướng Modi cho phép các ứng cử viên từ các nhân hàng tư nhân đảm nhận vai trò giám đốc điều hành tại 5 ngân hàng nhà nước lớn nhất Ấn Độ với mức lương sẽ được trả linh hoạt theo năng lực. Đây là một bước đột phá ở một đất nước mà lương nhà nước được trả theo một sự sắp xếp cố định xưa nay.
Theo chiến lược của ông Modi, muốn thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, vốn đạt mức 7,5% trong năm 2014 lên mức hai con số trong năm 2015, Ấn Độ phải có một hệ thống ngân hàng mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả để trở thành mạch máu cho nền kinh tế vốn ưu tiên phát triển hệ thống doanh nghiệp tư nhân của nước này. Nếu có một dấu mốc nổi bật nhất theo hướng tích cực của nền kinh tế trong năm 2015, thì đó hẳn phải là một cuộc thay máu thật sự trong hệ thống ngân hàng Ấn Độ để đáp ứng cuộc cải tổ nền kinh tế một cách quyết liệt.
Giới phân tích cho rằng một khi hệ thống ngân hàng của Ấn Độ phát triển mạnh mẽ hơn, không ai nghi ngờ gì về khả năng nền kinh tế thứ ba châu Á này sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.
HẠNH CHI