Thế chân vạc gồm: CBRE, Chesterton Petty và D&A của thị trường bất động sản Việt Nam xem ra có nguy cơ bị phá sản do mới đây Tập đoàn Tiếp thị và quản lý bất động sản Savills (Anh) thông báo thâu tóm Công ty Chesterton Petty Việt Nam.
Tại buổi khai trương Công ty Savills Việt Nam ở TPHCM, ông Aubrey Adams, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn, cho biết việc sáp nhập Chesterton Petty là điều tất yếu, bởi trên thế giới cái tên Chesterton Petty đã bị khai tử từ lâu. Tuy nhiên, ông A.Adam từ chối tiết lộ thông tin Savills đã bỏ bao nhiêu tiền để mua lại Chesterton Petty Việt Nam, nhưng khẳng định, đây là phi vụ buôn bán êm ả với quyền lợi hai bên được đảm bảo. Trước mắt, việc hoạt động của Savills Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, không có sự thay đổi lớn. Ban giám đốc điều hành vẫn được giữ nguyên nhằm tiếp tục cung cấp các đội ngũ tư vấn về bất động sản chuyên nghiệp, uy tín và nay được hỗ trợ thêm nhờ mạng lưới năng động và phát triển trên toàn cầu của Tập đoàn Savills.
Có thể nói việc ra đời Savills Việt Nam tiếp sau sự đổ bộ của các tập đoàn tiếp thị và quản lý BĐS như La Salle Việt Nam, Aldy Vina, Setia BHD, NAI Việt Nam… cho thấy thị trường dịch vụ địa ốc Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đại gia nước ngoài. Thế “chân vạc” sẽ được chia thành nhiều phân khúc nhỏ cho các công ty. Hiện xét về thị phần, Công ty CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE Việt Nam) vẫn nằm trong top anh cả với các hợp đồng quản lý và tư vấn các dự án địa ốc đắt giá tại TPHCM và Hà Nội như Capital Place, Lý Tự Trọng Court, Hai Bà Trưng Court, Avalon (TPHCM), hay gần đây nhất là dự án tiếp thị cho trung tâm vật liệu xây dựng lớn nhất Việt Nam Melinh Plaza (Hà Nội), Trung tâm thương mại TD (Hải Phòng)…
Liệu có phải thương hiệu ngoại sẽ quyết định tất cả cho sản phẩm của công ty? Anh Tấn Trung, Giám đốc CTCP Địa ốc Tấn Điền, cho biết công ty của anh nhận tư vấn và tiếp thị rất nhiều dự án BĐS do CBRE quản lý thất bại trước đây để lại và rất thành công. Bằng kinh nghiệm của mình, thực tế các “đại gia” nước ngoài chỉ có thương hiệu là xịn, chứ dịch vụ chưa chắc đã xịn. Thường lúc đầu, họ sẽ đứng ra nhận các dự án lớn sau đó chia lại cho các công ty Việt Nam. Thành ra, dẫn đến trường hợp “ta làm mà tây hưởng!”.
Nhiều dự án họ còn cố tình “găm hàng” để đẩy giá khiến sản phẩm bán rất chậm. Còn theo ông Lương Trí Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ- xây dựng địa ốc Đất Xanh (đơn vị tiếp thị rất thành công dự án làng chuyên gia Ruby Land và khu resort Western Land ở Bình Dương), cho biết có nhiều dự án các “đại gia” nước ngoài tiếp thị bán hoài không được nhưng khi giao cho các doanh nghiệp Việt Nam thì bán đắt như tôm tươi. “Người Việt Nam hiểu văn hóa, phong tục Việt Nam, nên dễ thuyết phục hơn” - ông Thìn khẳng định.
Mạnh Hùng