Thế giới có thực sự sắp hết dầu?

Người tiêu dùng thêm gánh nặng
Thế giới có thực sự sắp hết dầu?

Giá dầu thô thế giới ngày 22-5 đã lập kỷ lục mới khi giao dịch ở mức trên 135 USD/thùng. Ngay sau khi giá dầu lập kỷ lục mới, tờ Wall Street Journal của Mỹ công bố báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, nguồn cung dầu mỏ có thể giảm mạnh so với nhu cầu, dự đoán kéo dài trong 20 năm tới. Câu hỏi đặt ra là liệu thế giới có sắp hết dầu và giá dầu tăng cao có phải do sự mất cân bằng cung-cầu?

Người tiêu dùng thêm gánh nặng

Thế giới có thực sự sắp hết dầu? ảnh 1

Giới đầu tư phản ứng khi giá dầu vượt mốc 135 USD/thùng

Như vậy, sau 5 tháng vượt mốc 100 USD/thùng, giá dầu tiếp tục vượt mốc mới 135 USD/thùng. Tại Pháp, ngư dân lập tức bao vây các nhà máy lọc dầu. Ở Anh, tài xế xe tải đang lên kế hoạch cho “một ngày hành động”. Hãng hàng không lớn nhất châu Âu AirFrance-KLM cảnh báo ngành công nghiệp hàng không thế giới đang bước vào giai đoạn “bùng nổ bởi giá dầu”.

Tại Mỹ, tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu Ford tuyên bố cắt giảm sản lượng các loại xe thể thao tiêu thụ nhiều năng lượng và cắt giảm mức lợi nhuận năm nay. Hãng Hàng không American Airlines tuyên bố sẽ giảm bớt số chuyến bay và bắt đầu tính phí kiểm tra hành lý, biện pháp để cắt giảm chi phí, đối phó với giá nhiên liệu tăng cao...

Ở đâu cũng nghe mọi người than thở về giá nhiên liệu leo thang và bàn cách đối phó. Trước đó, dự báo của IEA cho biết, sản lượng dầu toàn cầu có thể đạt 116 triệu thùng/ngày vào khoảng năm 2030. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của tổ chức này lại cho biết, thế giới sẽ không đạt được sản lượng trên mà còn thiếu 15 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2030.

Các chuyên gia thị trường New York và London dự đoán, với cảnh báo mới này, giá dầu sẽ tiến nhanh đến mức... 200 USD/thùng, bất chấp làn sóng phản đối của người tiêu dùng toàn cầu.

Hết dầu hay bị đầu cơ?

Hầu hết phương tiện truyền thông thế giới nhận định, không chỉ báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô trong các kho dự trữ của Mỹ trong tuần trước giảm tới 5,4 triệu thùng, mà những lo ngại về nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu ngày càng tăng là những yếu tố khiến mặt hàng chiến lược này tiếp tục đà tăng giá. Do thiếu đầu tư, các cơ sở khai thác dầu sẽ trở nên cũ kỹ, đồng nghĩa với việc nguồn cung trong tương lai càng bị thắt chặt hơn rất nhiều so với những dự đoán trước đó.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự thất vọng khi các nhà đầu tư hiện chỉ tập trung vào các báo cáo khẩn về sự sụt giảm của nguồn cung ở một vài nước xuất khẩu dầu (do thiết bị đầu tư cũ kỹ) mà đã không xem xét đến yếu tố giá nhiên liệu tăng sẽ dẫn đến kết cục nhu cầu giảm. Rõ ràng là ngày 21-5, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã điều chỉnh giảm mức dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2008, do giá tăng cao cùng tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2008 sẽ tăng 1,35% (1,2 triệu thùng/ngày) lên 86,95 triệu thùng/ngày, còn dự đoán trước là tăng 1,4%. Nhu cầu dầu mỏ của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) giảm và của các nước ngoài OECD lại tăng. Tiêu thụ dầu của Mỹ sẽ giảm mạnh trong quý 2 này do mùa đông đã kết thúc.

Bên cạnh đó, thật sự vẫn còn nhiều dấu hiệu của đầu cơ trên thị trường dầu. Hôm qua, Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez, đã nhấn mạnh việc giá dầu gia tăng nhanh là do các hoạt động đầu cơ hơn là do sự mất cân bằng cung-cầu. Ngoài ra, sự biến động của giá dầu còn do sự tiêu thụ quá mức và lãng phí ở những nước phát triển. Hiện nay, thế giới sử dụng khoảng 87 triệu thùng dầu/ngày, trong đó chỉ riêng Mỹ đã “ngốn” hết 1/4 số này.


HẠNH CHI (theo IHT, Independent)

Tin cùng chuyên mục