Chương trình Nhà búp bê do Báo SGGP tổ chức

Thế giới đồ chơi của trẻ em

BS. NGÔ VĂN QUỸ
Thế giới đồ chơi của trẻ em

Tất cả các nhà dưỡng nhi học, tâm lý học, giáo dục học ở các thời đại khác nhau, của các dân tộc khác nhau đều thống nhất nhận định rằng các trò chơi và đồ chơi có một tầm quan trọng rất lớn trong những năm đầu đời của một đứa trẻ. Trò chơi là một hoạt động rất cần thiết cho trẻ, một hoạt động tự nhiên, tự phát của trẻ và là cơ sở của sự phát triển hài hòa, toàn diện của trẻ.

Thế giới đồ chơi của trẻ em ảnh 1

Bé bán đồ hàng.

Lúc mới ra đời, những hành động bản năng của trẻ còn chưa được thể hiện một cách đầy đủ, trẻ cần phải được luyện tập để phát triển ngày một hoàn thiện hơn. Các đồ chơi, với các đồ chơi chính là cách luyện tập đó.

Nó kích thích và hoàn thiện sự phát triển về thể chất và tâm lý của trẻ, làm cho trẻ vượt qua sự chuyển tiếp các giai đoạn và cùng tiến triển với các giai đoạn đó. Nó mang lại cho trẻ sự thích thú, niềm vui và thu hút hoàn toàn tâm trí của trẻ, chiếm hầu hết thời gian trong ngày.

Trò chơi nào cũng do tưởng tượng của trẻ bày đặt ra, mà tưởng tượng phong phú nhất là bắt chước người lớn. Bé gái thì làm bác sĩ khám bệnh cho em búp bê, cho chú gấu bông, cho con mèo bông không nghe lời mẹ ăn quả xanh uống nước lã đau bụng kêu meo meo.

Rồi may quần áo, tắm rửa cho búp bê, đi xe đạp ba bánh trong sân trong vườn, không quên đội cả mũ bảo hiểm như chú công an căn dặn, chở búp bê và mấy con thú bông đến nhà mẫu giáo; làm cô giáo dạy học mấy con thú vô kỷ luật ngồi trong lớp mà cứ nói chuyện riêng, đánh lộn nhau. Rồi làm bếp với những bộ xoong, nồi bé tí xíu, nhưng cũng nấu được những món ăn ngon không kém gì của mẹ để cho con búp bê và mấy con thú bông ăn, vừa ăn vừa khen, đòi ăn thêm…

Bé trai thì xếp vài miếng gỗ, khối gỗ nhỏ làm cái nhà, cái tháp, cho chiếc xe cần trục chạy tới chạy lui nâng đồ lên, xin chị mấy tờ giấy để gấp máy bay, tàu thủy, con chim; chán lại ra sân bới đống cát mang từ lần ra nghỉ với bố mẹ ở ngoài biển về, đào làm con sông, con suối chảy qua thành phố…

Thấy rõ tác dụng luyện tập và giáo dục của các trò chơi, người lớn có nhiệm vụ phải giúp cho trẻ chơi. Giúp đây không có nghĩa là cứ luôn luôn can thiệp vào những trò chơi này bằng những cách nhìn, cách nghĩ của người lớn không thích hợp với lứa tuổi của trẻ. Giúp đây có nghĩa là phải tích cực tạo điều kiện cho trẻ chơi…

Điều kiện thứ nhất là phải có chỗ chơi, sân chơi. Với mức sinh hoạt và trình độ kinh tế của nhân dân ta hiện nay, không thể đòi hỏi gia đình nào cũng có được một phòng riêng, bố trí thích hợp cho trẻ có chỗ chơi thoải mái, một cái sân rộng, một mảnh vườn để cho trẻ lấy chỗ đá bóng, đi xe đạp. Hiện nay những cảnh trẻ em chơi lê la trên các vỉa hè, rãnh nước, đá bóng, đánh cầu, thả diều trên những đường phố tấp nập xe cộ đi lại, tuy đã ít thấy hơn trước nhưng chưa phải đã hết. Chỉ có những nhà trẻ, vườn trẻ, trường mẫu giáo là tương đối có được điều kiện này…

Điều kiện thứ hai là phải có bạn chơi, vì chơi là một hoạt động xã hội, một hoạt động tập thể rất cần thiết cho sự phát triển và trưởng thành tâm trí của trẻ. Không thể để trẻ sống một mình hay sống trong môi trường của người lớn rồi tha thẩn cô độc chơi một mình hay chơi với người lớn mà phải cho trẻ tiếp xúc chơi với bạn bè cùng lứa.

Điều kiện thứ ba còn quan trọng hơn cả hai điều kiện trên là phải có đồ chơi. Bằng màu sắc, bằng hình thể, bằng tiếng động, đồ chơi làm thức tỉnh, kích thích các giác quan và trí não của trẻ. Trẻ nhìn ngắm, sờ mó, cầm nắm, lắng nghe… có những đồ chơi cho mỗi giai đoạn phát triển của trẻ, như đồ chơi ở nôi, ở giường, ở trong phòng, ở ngoài sân, ngoài vườn. Có đồ chơi cho mỗi lứa tuổi khác nhau, cho bé trai, bé gái khác nhau. Có những đồ chơi từ đơn giản đến phức tạp dần lên để luyện tay, luyện mắt, luyện óc quan sát, luyện trí thông minh.

Điều cực kỳ thú vị là có khi một thứ đồ chơi đầu tiên rất đơn giản, một con búp bê không đẹp cho lắm, một con gấu bông đã mất cả hai tai, một chiếc xe ô tô nhỏ chỉ còn hai bánh trước… lại trở thành thân thiết, được giữ rất lâu trong cuộc đời của một con người, coi như một thứ kỷ vật thiêng liêng vô cùng quý báu không thể rời ra được. Tôi đã thấy một con búp bê như thế trong chiếc cặp đựng tài liệu giảng dạy của một bà nữ giáo sư bác học tuổi ngoài 70 mà đi đâu bà cũng mang theo và để nó ngoan ngoãn nằm chờ bà giảng xong bài trên giảng đường đại học.

Đối với việc sản xuất và lựa chọn các đồ chơi có những nguyên tắc cần phải theo:

- Một đồ chơi phải có hình thể, khối lượng, trọng lượng làm sao cho thật an toàn vô hại, không gây thương tích, không làm cho trẻ nuốt vào họng, hít vào mũi – trẻ thường cho đồ chơi lên miệng mút, ngậm nên chất liệu làm đồ chơi như các chất màu sơn phết phải không gây ngộ độc cho trẻ.

- Một đồ chơi phải có tác dụng giáo dục, khơi dậy các bản năng tốt lành. Tuyệt đối không được cho trẻ những đồ chơi có tính cách bạo lực như súng, gươm, đao, kiếm, những mặt nạ, những hình thù quái dị, dữ tợn.

- Một đồ chơi phải có bản sắc dân tộc với những con búp bê mặc quần áo Việt Nam, tóc đen, mắt đen, đội chiếc nón, mang cái quạt hay cu Tèo cưỡi trâu, cái Mẩy đeo giỏ cá, những con voi, con khỉ, con chim, con cá… của rừng biển Việt Nam.

- Một đồ chơi phải có một giá thành giá bán vừa phải để vừa túi tiền của ông bà bố mẹ nào cũng có thể mua được. Những đồ chơi quá đắt tiền, khi mua được hoặc có ai tặng thì có lẽ bố mẹ thấy vui thích hài lòng hơn là chính đứa trẻ.

Trẻ chơi xong thường vứt đồ chơi tại chỗ, bỏ lăn lóc dưới gầm bàn, ngoài sân, ngoài vườn, bà nội lại còm cõi đi nhặt về. Nhưng không nên vội la mắng bé vì chỉ sau 3 tuổi, thậm chí 4-5 tuổi mới đòi hỏi được bé có ý thức ngăn nắp, trật tự. Nên cho bé một cái hộc tủ riêng, một cái hộp các tông để ở cạnh giường để chơi xong bé xếp vào đó.

Việc phá phách đồ chơi có thể coi như một “bản năng tự nhiên” của phần đông trẻ em, nên bố mẹ không nên cáu gắt khi thấy một đồ chơi mới mua về đã hỏng, đã vỡ, đã gãy. Vì thế không nên chọn mua những đồ chơi quá đắt tiền khi trẻ còn quá bé chưa có ý thức biết giữ gìn.

Một điều cũng cần phải nói là tuy phá đồ chơi như vậy, nhưng “bản năng sở hữu” lại rất cao, không cho trẻ khác mượn hay sờ mó vào, thậm chí kể cả đối với anh chị em ruột. Vì vậy bà ngoại cứ phải luôn luôn xử những vụ “tranh chấp, chiếm đoạt tài sản” với rất nhiều nước mắt của cả bên đi kiện lẫn bên bị kiện.

BS. NGÔ VĂN QUỸ

 

Tin cùng chuyên mục