“Chúng ta đang bước vào thời kỳ nguy hiểm”- Đó là lời cảnh báo của nhà kinh tế trưởng Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), Abdolreza Abbassian, về khả năng giá lương thực có thể tăng mạnh. Thiếu hụt lương thực, căng thẳng địa chính trị, lạm phát toàn cầu và lượng người thiếu ăn tăng từng ngày là những yếu tố tạo ra làn sóng tăng giá lương thực toàn cầu trong thời gian tới.
Đằng sau những con số
Chỉ số giá lương thực của LHQ - là một rổ bao gồm giá ngũ cốc, lúa mì, sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt và đường - đang đứng ở mức cao nhất từ năm 1990, thời điểm LHQ bắt đầu đưa ra chỉ số đánh giá này.
Theo LHQ, giá lương thực toàn cầu đã tăng liên tục trong 6 tháng qua, hiện còn cao hơn cả thời điểm cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008. Lúa mì tăng giá gấp đôi so với tháng 6-2010. Giá đường ở mức cao kỷ lục trong 30 năm qua, trong khi giá thịt heo tăng 25% so với thời điểm đầu năm 2010.
Tại Anh, xu hướng tăng giá tiếp tục xuất hiện khi giá lương thực trong tháng 11-2010 tăng cao nhất kể từ năm 1976. Thịt các loại đều tăng 1%, trong khi hoa quả “nhảy múa” lên 7,5% chỉ trong vòng 1 tháng.
Theo các nhà sản xuất của Anh, giá lúa mì sẽ tăng trở lại trong tháng 1-2011, kéo theo các sản phẩm từ lúa mì tăng mạnh. Các nhà kinh tế cảnh báo ngũ cốc và đường -những mặt hàng có dấu hiệu bình ổn đôi chút trong thời gian qua - cũng sẽ tăng trở lại trong vài tháng tới.
Nguyên nhân
Theo các chuyên gia kinh tế, giá lương thực luôn ở mức cao có thể sẽ trở thành “căn bệnh mãn tính” trong đời sống kinh tế toàn cầu tương lai, do dân số tăng nhanh kết hợp với hiện tượng biến đổi khí hậu, đầu cơ...
FAO đặc biệt quan tâm đến yếu tố khó lường của thời tiết, ví như Argentina ngày càng khô hạn hay mùa đông giá rét ở Bắc bán cầu khiến các vụ lúa mì thất thu. Khi đó, việc áp đặt chính sách cấm xuất khẩu lương thực như chính phủ Nga và Ấn Độ từng thực hiện càng làm thị trường lương thực rối loạn.
Trong thời gian qua, rất nhiều chuyên gia đưa ra dự đoán về giá dầu trong năm nay sẽ tăng trở lại. Ngày 5-1, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) cho biết, giá dầu sẽ sớm tăng lên 100 USD/thùng trong năm nay, đồng nghĩa với chi phí vận chuyển tăng cao và đương nhiên sẽ kéo theo giá lương thực tăng.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ lương thực tăng nhanh tại các quốc gia đang phát triển và việc sử dụng các loại cây lương thực để sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ càng đẩy mạnh nhu cầu về lương thực.
Số người thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc ngày một tăng cao cùng với việc kinh tế ở các nước phương Tây đang dần hồi phục cũng khiến nhu cầu lương thực tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra.
Tại Trung Quốc, theo ước tính, quy mô chăn nuôi cần phải tăng gấp 3 lần trong thời gian tới mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, trong khi quá trình đô thị hóa tại nước này đang khiến quỹ đất chăn nuôi teo tóp. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở các nước có tốc độ phát triển dân số mạnh như Brazil, Ấn Độ và Indonesia.
Theo các nhà kinh tế ở tập đoàn Nomura (Nhật Bản), những nguyên nhân trên sẽ đẩy giá lương thực tăng trong thời gian tới. Những quốc gia nghèo như Bangladesh, Morocco và Nigeria sẽ càng kiệt quệ hơn bởi đợt tăng giá lương thực này.
Giải pháp
Để đối phó với một cuộc khủng hoảng giá lương thực trong tương lai, một loạt các phương án đang được chính phủ Anh xem xét. Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến cho tăng lãi suất để kiểm soát giá lương thực. Phương thức này đã được Trung Quốc áp dụng.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 19-10 đã tăng lãi suất cơ bản 0,25% đối với các giao dịch cho vay và tiền gửi bằng đồng Nhân dân tệ. Chỉ số CPI của Trung Quốc tăng “chóng mặt” khi giá lương thực trở nên đắt đỏ (giá lương thực chiếm tỷ trọng 1/3 trong tính toán CPI của Trung Quốc). CPI trong tháng 11-2010 tiếp tục tăng lên 5,1%, cao hơn mức tăng 4,4% trong tháng 10.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, Bộ Tài chính Anh cũng đang xem xét về chương trình bình ổn giá nhiêu liệu. Theo đó, những người sử dụng xe hơi sẽ được cắt giảm thuế khi giá dầu thế giới tăng. Ngược lại, khi giá dầu giảm, thuế đánh vào đối tượng này sẽ tăng lên.
Ngày 6-1 là ngày thứ 2 các phần tử quá khích tại Algeria tiếp tục ném đá tấn công cảnh sát, đốt xe cộ, cướp phá các cửa hàng tại thủ đô Algiers của nước này. Nguyên nhân dẫn đến sự rối ren trên là do giá lương thực và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao tại Algeria. |
Đỗ Văn (Theo Independent)