Những hành động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông đang gây căng thẳng trong khu vực và gây phương hại đến môi trường an ninh, thương mại toàn cầu. Dư luận thế giới tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế đối đầu, gia tăng đối thoại.
Trung Quốc gia tăng đối đầu
Tạp chí The Week của Anh số ra ngày 3-7 nói trong 9 tháng qua, Trung Quốc luôn có những bước đi gây căng thẳng với các nước láng giềng từ Nhật Bản đến Philippines và Việt Nam bằng cách sử dụng máy bay, tàu và thậm chí cả giàn khoan dầu. Bài báo điểm lại các sự kiện mà trong đó Trung Quốc gây hấn với các nước như gây sự với Nhật Bản trên vùng lãnh hải tranh chấp giữa hai nước; tuyên bố khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, bao gồm cả vùng Nhật Bản tuyên bố chủ quyền; cảnh sát biển Trung Quốc phong tỏa bãi Cỏ May (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), ngăn chặn sự tiếp cận của Philippines; di chuyển giàn khoan dầu Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Bài báo cho rằng Trung Quốc tin rằng với sức mạnh kinh tế và quân sự hiện giờ, họ có khả năng chịu được các phản ứng dữ dội của quốc tế. Bắc Kinh tự cho mình quyền từ chối tất cả các nỗ lực hòa giải, kể cả tòa án trọng tài quốc tế. Theo bài báo, đó không phải là cách mà chính sách ngoại giao hiện đại hướng tới. Đường lối ngoại giao cứng rắn như vậy đưa đến rất ít lựa chọn, các quốc gia có liên quan chỉ có thể chấp nhận chịu đựng hoặc kháng cự bằng vũ lực.
Bài báo kết luận: Một điều chắc chắn rằng chỉ trong vài năm ngắn ngủi Trung Quốc đã lãng phí nhiều thập niên tỏ ra thiện chí với các nước láng giềng. Sẽ rất khó khăn để Trung Quốc lấy lại lòng tin của các nước láng giềng trừ khi lãnh đạo của họ còn biết cân nhắc.
Không cản trở dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ
Cùng với quan điểm ủng hộ đối thoại thay cho đối đầu, cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Surakiart Sathirathai đã có bài viết riêng cho báo The Nation ra ngày 4-7.
Ông Surakiart cho rằng những căng thẳng trong khu vực đang đe dọa hòa bình và thương mại toàn cầu có thể giải quyết thông qua đối thoại. Ông khẳng định: “Biển Đông hiện đang là trọng tâm của vấn đề có ý nghĩa sâu rộng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực này và cộng đồng quốc tế nói chung”. Các nước ASEAN, trong đó có Myanmar, hiện là chủ tịch của ASEAN, có trách nhiệm đặc biệt để giúp giải quyết vấn đề và ngăn chặn leo thang căng thẳng ở biển Đông. Tương tự, Thái Lan là điều phối viên hiện tại của đối thoại ASEAN - Trung Quốc cũng chịu trách nhiệm đảm bảo rằng vấn đề biển Đông không làm gián đoạn các mối quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN và Trung Quốc. ASEAN, Trung Quốc và các nước khác trong và ngoài khu vực chia sẻ trách nhiệm để đảm bảo rằng căng thẳng hoặc xung đột vũ trang sẽ không xảy ra, cũng không ảnh hưởng đến việc thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cản trở dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và đầu tư, lao động lành nghề.
Căng thẳng ở biển Đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực ASEAN về đối tác đang nổi lên trong khu vực như RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực bao gồm 16 quốc gia: 10 thành viên của ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand).
Hơn một nửa số hàng hóa của thế giới vận chuyển bằng tàu, tương đương 5,3 tỷ USD đi qua eo biển Malacca, Sunda, Lombok và Makassar nối Ấn Độ Dương với biển Đông. Hơn một phần ba lượng dầu thô của thế giới và hơn một nửa số khí thiên nhiên lỏng được vận chuyển hàng ngày thông qua biển Đông, làm cho khu vực trở thành liên kết quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Surakiart, cùng với cơ chế đối thoại song phương, các bên cần tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã được ký kết và thúc đẩy ký kết Quy tắc ứng xử các bên ở biển Đông (COC). Ngoài ra, các bên cần nghiên cứu khả năng cùng hợp tác để biến các xung đột tiềm tàng thành tiềm năng hợp tác.
THỤY VŨ (tổng hợp)