Hàng loạt hãng thông tấn và báo chí trên thế giới đồng loạt đăng tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả đều viết về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng huyền thoại của Việt Nam. Các tờ báo Pháp, Mỹ, Anh, Australia hay cả những báo tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… ca ngợi sự nghiệp quân sự, các chiến thuật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến đấu và gọi Đại tướng là “Napoleon của Việt Nam”, “thiên tài quân sự”...
Ngọn núi lửa phủ tuyết trắng
Tờ Le Monde (Pháp) đăng tải lại bài báo của nhà báo Jean Lacouture viết về tướng Võ Nguyên Giáp trên Le Monde ngày 5-12-1952. Với tựa đề “Giáp, ngọn núi lửa phủ tuyết trắng”, bài báo kể lại các chi tiết chân thực về cuộc đời của vị tướng từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành, về con đường học vấn và từng bước dấn thân vào nghiệp quân đội. Các bài báo cũng trên Le Monde đánh giá ông là người luôn biết cách áp dụng các chiến lược quân sự linh hoạt khi mềm dẻo, lúc cứng rắn trong cuộc chiến giành độc lập của dân tộc. Không chỉ đưa tin, bài, báo chí Pháp còn giới thiệu những thước phim tài liệu về quân và dân ta trong thời chiến cũng như phim tài liệu “Giáp, huyền thoại Việt Nam” của đạo diễn người Pháp Pierre Schoendoerffer.
Đài RFI đưa tin “Tướng Giáp, anh hùng của nước Việt Nam độc lập không còn nữa”. Đài này cũng đăng đoạn clip tướng Giáp trả lời phỏng vấn một nhà báo Pháp sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Còn tờ L’Epression nhận xét: Sự ra đi của tướng Giáp mang theo một phần lịch sử châu Á và của Việt Nam nói riêng. Người đã khiến quân đội Mỹ và Pháp thấy hổ thẹn. Mất tướng Võ Nguyên Giáp, Algeria mất đi một người bạn lớn, một nhân vật làm rạng danh cho công cuộc đấu tranh của toàn thể nhân dân chống lại chủ nghĩa thuộc địa và thống trị ngoại bang… Cho đến lúc ra đi, vị tướng vẫn là hình mẫu duy nhất cho mẫu người tự học - vì ông không phải sinh ra đã theo nghiệp nhà binh nhưng lại đứng trong hàng ngũ của những nhà chiến lược quân sự tài ba nhất thế kỷ 20, nhận được sự ngưỡng mộ của tất cả các đối thủ trong quá khứ cũng như của các vị tướng Pháp. L’Humanite dành lượng lớn thông tin về tiểu sử, các bài phỏng vấn tướng Giáp đã đăng kèm nhiều hình ảnh tư liệu.
“Khúc Marseillaise của tướng Giáp”
Trang web của Rue89 trang trọng thông báo Võ Nguyên Giáp, anh hùng quân sự trong cuộc chiến giành độc lập của Việt Nam đã từ trần ngày 4-10. Ngay trong ngày này, Claude Blanchemaison, cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã gửi tới bản in tác phẩm của ông “Khúc Marseillaise của tướng Giáp”. Rue89 đã trân trọng trích đăng một phần trong cuốn sách.
“Cuộc gặp đầu tiên của tôi với tướng Giáp, người đã 3 lần thành công với việc chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản, đánh bại thực dân Pháp và sau đó là đánh đuổi quân Mỹ, diễn ra vào đầu tháng 4-1989 ở Hà Nội. Tôi mới chỉ nhận nhiệm vụ Đại sứ Pháp ở Việt Nam vài tuần trước đó.
Cảm thấy đôi chút bị đe dọa, tôi đến điểm hẹn, nhớ lại những gì tôi đã đọc về nhân vật bất thường này, rằng ông có một tiểu sử không thật. Anh hùng của nền độc lập dân tộc có thể trông như thủ lĩnh chiến tranh ít quan tâm tới cuộc sống nhân loại.
Người đàn ông gặp tôi lại có vóc dáng nhỏ bé, đôi mắt sáng và vầng trán cao phủ chỏm tóc bạc - Núi lửa phủ tuyết, cánh nhà báo hay gọi thế. Ông mặc bộ quần áo nhà binh kaki màu xanh olive rất giản dị...
Ông có thái độ rất thân thiện khiến tôi cảm thấy thoải mái. Không nghi ngờ gì nữa, ông biết được suy nghĩ của tôi và muốn tôi thoát khỏi bài diễn văn giới thiệu xấu hổ, ông thân mật nắm tay tôi và nói ông đánh giá cao văn học Pháp biết nhường nào.
Ngay từ đầu, ông nói về mối quan hệ của văn hóa giữa hai nước, tầm quan trọng của Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp và sự cần thiết phải hướng tới tương lai. Cần có thời gian, ông nói với tôi, để xem xét xây dựng sự hợp tác đáng kể trong lĩnh vực kinh tế. Nước Pháp có thể giúp Việt Nam hội nhập trong bối cảnh quốc tế đang phát triển rất nhanh. Pháp cũng có thể đóng vai trò quan trọng hơn trong việc đào tạo cán bộ…
Vài tháng sau, ngày 14-7-1989, 6 giờ tối, tướng Giáp, lần đầu tiên trong đời, bước chân vào Đại sứ quán Pháp nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày diễn ra Cách mạng Pháp…”.
VIỆT KHUÊ (tổng hợp)