Thế giới trong cơn khát tài nguyên

Xuất khẩu tài nguyên từng được xem là thế mạnh của nhiều nước nhưng trước xu thế phát triển quá nhanh, tài nguyên ngày càng cạn kiệt, khiến vấn đề này đang được nhìn nhận lại.

Trưởng đại diện thương mại châu Âu Karel De Gucht tỏ ra bức xúc khi cho rằng tình trạng thiếu nguyên liệu thô trở thành một rủi ro mang tính hệ thống cho nền kinh tế toàn cầu. Ông cho rằng không nước nào có đủ các loại tài nguyên cần dùng, do đó tất cả các nước đều bị ảnh hưởng bởi nguy cơ này và vì vậy, cần một giải pháp mang tính toàn cầu.

Gần đây, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm - thứ nguyên liệu được dùng cho các ngành công nghệ cao và quốc phòng - đặt nhiều nước vào tình thế nan giải. Trung Quốc hiện là nhà khai thác đất hiếm chiếm 90% sản lượng toàn cầu.

Ngoài đất hiếm, Trung Quốc cũng hạn chế xuất khẩu than cốc và nhiều loại quặng như bauxite, magnesium, manganese, silicon, phosphore… Nhật Bản cũng đang khốn đốn vì Trung Quốc nâng thuế xuất khẩu đá  phosphate dùng để làm phân bón từ mức 7% lên 110% kể từ ngày 1-12.

Đây là cú giáng đối với ngành nông nghiệp Nhật Bản khi họ phụ thuộc 100% vào nguồn nhập khẩu đá  phosphate. Các công ty của Nhật Bản cũng điêu đứng khi chỉ trong vòng 1 năm, giá nhựa thông xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên 330% trong khi nhập khẩu nhựa thông của Nhật Bản từ Trung Quốc chiếm 60% lượng nhựa thông tiêu thụ của Tokyo. EU, Mỹ cáo buộc Nga hạn chế xuất khẩu gỗ và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu bông vải…

Những thay đổi này đã dẫn đến các vụ kiện tụng liên tục lên WTO. Những nước hạn chế xuất khẩu tài nguyên cho rằng do nhu cầu trong nước và chi phí lao động tăng cao, họ không còn cách nào khác.

Để tránh nguy cơ từ việc thiếu tài nguyên phục vụ cho sản xuất, nhiều nước bắt đầu tìm nguồn nguyên liệu ở các vùng đất mới. Trung Quốc gần đây mở rộng hợp tác khai thác dầu khí tại châu Mỹ và khai thác nhiều tài nguyên khác ở châu Phi. EU được khuyến cáo thiết lập quan hệ tốt với những nước có nguồn tài nguyên dồi dào chưa được khai thác. Biện pháp thứ hai là tăng cường khai thác tài nguyên ngay trong lãnh thổ của mình.

EU xem xét khai thác đất hiếm tại Greenland, nơi có trữ lượng đất hiếm chiếm khoảng 25% nguồn cung thế giới. Ngoài ra, các nước còn phải cải tiến công nghệ để tái sử dụng tài nguyên hiệu quả nhất. Nhiều công ty dược của Nhật Bản hiện nay bắt đầu chuyển hướng tự trồng các loại cây để bào chế đông dược thay vì nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo tờ nhật báo Yomiuri Shimbun, công ty  Mitsubishi Plastics sẽ nghiên cứu tự trồng cây cam thảo, nguyên liệu của gần 70% các loại thuốc thảo dược.

Tài nguyên thế giới đang đi tới chỗ cạn kiệt và nhiều chuyên gia dự báo nó có thể dẫn tới nhiều hệ lụy trong lúc chưa có một giải pháp hữu hiệu toàn cầu. Thứ nhất, việc mở rộng khai thác các nguồn tài nguyên mới sẽ khiến một bộ phận không nhỏ nông dân phải rời bỏ nơi canh tác làm tăng nguy cơ đói nghèo. Thứ hai là hậu quả nặng nề về môi trường và khả năng đáng ngại nhất là dẫn tới các cuộc chiến tranh giành tài nguyên.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục