Thế khó

Trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh chiều 31-10 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh David Cameron đã vấp phải thất bại đầu tiên kể từ khi chính phủ liên minh Bảo thủ - Tự do lên cầm quyền hồi tháng 5-2010. Nhiều thành viên đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh đã đứng về phía đảng Lao động đối lập để phản đối việc Anh đồng ý tăng ngân sách cho EU trong giai đoạn 2014-2020.

Với 307 phiếu nói không với tăng ngân sách, 294 phiếu đồng thuận, rõ ràng, sự chia rẽ sâu sắc trong đảng cầm quyền là đòn giáng mạnh vào chính quyền của Thủ tướng Anh. Tuy cuộc bỏ phiếu không mang nặng tính pháp lý nhưng giới truyền thông cho rằng nó có nguy cơ hủy hoại quyền lực của Thủ tướng David Cameron, về khía cạnh điều hành cũng như khả năng kiềm chế những nhân tố bài trừ EU trong chính đảng Bảo thủ. Dù trước đó, ông đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối đề nghị của Ủy ban châu Âu về việc tăng 5% ngân sách EU 2014-2020 so với cùng thời kỳ 7 năm hiện nay, đồng thời yêu cầu cắt giảm 100 tỷ EUR ngân sách.

Hơn nữa, ông Cameron cũng cho biết sẽ phủ quyết bất cứ thỏa thuận nào tăng ngân sách cho EU trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) cuối tháng này. Tuy nhiên, ông đang đứng trước khó khăn và sức ép tìm giải pháp cân bằng cho nhiệm vụ đối nội lẫn đối ngoại.

Hồi tháng 3, Thủ tướng Cameron đã phủ quyết Hiệp ước ngân sách châu Âu vốn nhắm vào việc siết chặt chi tiêu của các nước thành viên EU nhằm điều chỉnh mức thâm hụt ngân sách, áp dụng hình phạt với những nước vi phạm hiệp ước. Vì những lý do này, giới chức EU cảnh báo nếu Thủ tướng Anh tiếp tục phủ quyết trong cuộc họp sắp tới ở Bỉ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ ngoại giao EU-Anh. Phủ quyết (nếu có) sẽ rơi vào thời điểm khá nhạy cảm vì chưa đầy một tháng sau sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU về việc xây dựng một liên minh ngân hàng.

Bên cạnh đó, bản thân London cũng hiểu rõ, nếu quá cứng nhắc với những gì mà Đức-Pháp, hai đầu tàu của EU đang nỗ lực để thay đổi ngân sách EU thì chẳng khác nào tự tách mình ra khỏi một tổ chức vẫn còn tiếng nói nhất định trong khu vực.

Đã từ lâu, người dân Anh không mấy mặn mà trong ngôi nhà chung EU. Họ cho rằng các quy định của tổ chức này đang cản trở kinh tế Anh, và việc rời bỏ EU sẽ giúp London khôi phục lại chủ quyền, cũng như giúp tiết kiệm hàng tỷ USD mà Chính phủ phải chi khi làm thành viên EU. Thủ tướng Cameron từng công khai ám chỉ việc xem xét tư cách thành viên của Anh trong EU.

Tuy nhiên, một khi Anh rút ra như vậy, liệu Mỹ có duy trì được mối quan hệ như hiện nay với nước Anh khi Anh không còn ảnh hưởng gì với EU? Liệu EU có còn cân nhắc những đặc quyền kinh tế dành cho Anh để tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Anh? Hiện Anh có quan hệ thương mại với Ireland, thành viên của eurozone nhiều hơn là với Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cộng lại.

Làm sao để Thủ tướng Anh dung hòa giữa yêu cầu đối nội và đối ngoại? 53 thành viên trong Hạ viện đã ủng hộ thủ tướng chất vấn về cắt giảm ngân sách 2014-2020 của EU khi các lãnh đạo EU họp tại Brussels vào tháng tới. Khi đó, Thủ tướng Cameron có thể tận dụng áp lực từ phía người dân Anh để làm lý do trình bày trước EU, âu cũng là một lý do hợp lý! 

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục