Với các phương pháp khám chữa bệnh hiệu quả, đơn giản, không quá tốn kém và ít xảy ra tai biến, y dược cổ truyền (YDCT) từng được xem là thế mạnh của Việt Nam trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, rất đáng buồn khi nền y học mang đậm tính dân tộc mà ông cha ta đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và gây dựng qua hàng ngàn năm lại đang bị lép vế, thua thiệt trước y học hiện đại.
Mới đây, tại buổi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và bất cập về nhân lực, cơ chế chính sách, quy định pháp luật... khiến YDCT phát triển rất khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng. Đáng lo ngại hơn, ngay cả một số cơ quan chức năng của ngành y tế cũng thiếu sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho YDCT, khiến những bài thuốc, phương thuốc điều trị hiệu quả ngày càng mai một hoặc không phát huy được công hiệu trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 24, hệ thống chăm sóc sức khỏe YDCT được mở rộng và phát triển ở tất cả các tuyến. Đến 2018, cả nước đã có 58/63 tỉnh, thành có bệnh viện (BV) y học cổ truyền tuyến tỉnh. Hệ thống khoa và tổ YDCT trong BV đa khoa hoặc chuyên khoa tuyến tỉnh tăng lên 82,3%. Tại tuyến y tế cơ sở, tỷ lệ các trạm y tế xã triển khai khám chữa bệnh YDCT tăng hơn 23% so với 10 năm trước đây.
Tuy nhiên, nghịch lý là số người bệnh tới các BV YDCT, khoa YDCT, hay các trạm y tế để được “bắt mạch, kê đơn” rất hạn chế, nguyên nhân vì chất lượng khám chữa bệnh và các dịch vụ y tế liên quan tới YDCT còn rất kém. Thậm chí, ngay cả việc khám chữa bệnh YDCT kết hợp với y học hiện đại ở các tuyến cũng rất khiên cưỡng, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân chính của thực trạng trên là do tình trạng khan hiếm bác sĩ chuyên khoa ngành YDCT. Đặc biệt tỷ lệ nhân lực YDCT có trình độ chuyên sâu tính đến năm 2018 chỉ đạt 5,69% so với nhân lực ngành y tế nói chung. Cùng với đó cũng chưa có cơ chế tài chính đặc thù cho các BV YDCT trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, thanh toán BHYT trong liên thông BHYT, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của các BV YDCT cũng như quyền lợi của người bệnh. Số bệnh viện YDCT được đầu tư kinh phí xây dựng, phát triển cũng rất khiêm tốn, tỷ lệ kinh phí chi thực tế của YDCT chỉ đạt 4,3% so với quyết định giao ngân sách từ trung ương, ngân sách địa phương đạt 18% và từ nguồn ngân sách khác đạt 2,52%.
Quả thực, đây là một nguồn kinh phí quá ít ỏi dành cho phát triển nền y học quý báu ngàn đời nay của nước ta, khiến cho một phương thức điều trị thế mạnh của Việt Nam ngày càng lép vế.