Tất nhiên là ý tưởng này dù tốt, cũng không cần thiết. Thuê HLV và tìm ra tiền trả lương là trách nhiệm cũng như công việc của VFF.
Nhưng từ câu chuyện nói trên, lại có nhiều câu hỏi dành riêng cho các nhà quản lý bóng đá và cả thể thao Việt Nam nói chung. Ví dụ như làm thế nào để “chuyển hóa” một suy nghĩ đóng góp thành hành động cụ thể như bỏ tiền mua các vật phẩm do VFF phát hành? Làm thế nào để các CĐV Việt Nam luôn ủng hộ đội tuyển trong mọi hoàn cảnh, đừng tái diễn các hành động “thắng tung hô - thua công kích” mang nhiều màu sắc phong trào? Ở khía cạnh rộng lớn hơn, đó là làm sao để những người hâm mộ thể thao có thể chuyển từ đam mê thành việc tập luyện hàng ngày, hoặc khuyến khích con em mình thi đấu thể thao chuyên nghiệp.
Thực tế cho thấy mức độ tác động xã hội của thể thao Việt Nam chỉ mới dừng ở hiện tượng, hình ảnh chứ chưa thực hiện đầy đủ chức năng của nó. Thật khó cho rằng chúng ta có một nền thể thao phát triển nếu các trường học, nhất là bậc đại học, không có cơ sở vật chất xứng tầm. Môi trường học đường là nơi dễ tạo ra tác động nhất bởi đối tượng chính của thể thao hay bóng đá thường rơi vào nhóm tuổi trẻ. Tuy nhiên, phong trào Hội khỏe Phù Đổng hay các cuộc thi dành cho sinh viên hiện chỉ đa phần mang tính hình thức, không đóng góp được nhiều về nguồn nhân lực thể thao, thậm chí còn phải nhờ đến lực lượng VĐV chuyên nghiệp để tham dự các sự kiện quốc tế dành cho sinh viên - học sinh.
Trách nhiệm và năng lực của những nhà quản lý chính là nguyên nhân. Người hâm mộ có thể sẵn sàng chi tiền cho bóng đá nhưng họ thực sự làm điều đó hay không và làm nhiều hay ít, thì lại là câu chuyện khác. Lấy ví dụ như đội bóng đá Nam Định, chỉ vừa mới lên đá V-League 2 năm qua, dù rất yếu về chuyên môn nhưng sân vận động của họ lại dẫn đầu về số lượng CĐV đến sân.
Ngược lại, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện không còn một đội bóng chuyên nghiệp nào dù đây từng là một đồng bằng phù sa bóng đá màu mỡ. Đội bóng cuối cùng của miền Tây đá V-League là Cần Thơ, vừa rớt hạng năm ngoái. Trong 3 năm chơi bóng đá đỉnh cao, đội bóng đại diện thành phố lớn nhất vùng lại luôn là nơi có lượng khán giả thấp nhất V-League. Như vậy, giữa Nam Định và Cần Thơ cùng một hoàn cảnh nhưng lại có sự khác biệt lớn về mức độ tác động đối với người dân. Không thể nói người Cần Thơ không thích bóng đá bằng người Nam Định, nhưng để họ đến sân cổ vũ cho đội nhà, thì lại cần hàng loạt điều kiện mà đa phần trong số đó đều phụ thuộc vào các nhà quản lý thể thao địa phương.
Về bản chất, thể thao Việt Nam, bao gồm cả bóng đá, chưa bao giờ mang tính chuyên nghiệp đầy đủ với ý nghĩa của từ này. Chính vì không chuyên nghiệp nên thể thao đỉnh cao tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là tập luyện để thi đấu quốc tế bằng tiền ngân sách, không tạo ra được sự lan tỏa đến xã hội, thói quen chi tiền cho thể thao cũng hoàn toàn không có ở người hâm mộ. Người ta có thể quá yêu thích HLV Park Hang-seo nên đề xuất ý tưởng “góp tiền trả lương” nhưng không có nghĩa là họ sẵn sàng đóng góp tiền thông qua việc mua vé xem đội tuyển với giá cao, hay mua các sản phẩm lưu niệm chính hãng.
Bấy lâu nay, nói đến chuyên nghiệp, nhiều người làm thể thao hay nói cần có tiền, thậm chí nhiều tiền, xem đấy như là lực cản khiến thể thao Việt Nam không thể tiến lên chuyên nghiệp được. Thực tế thì phải chuyên nghiệp trước, mới có tiền. Tổ chức thi đấu hấp dẫn ra sao để người hâm mộ bỏ tiền mua vé đến sân, chứ không phải miễn phí thì sẽ đông khán giả. Các ngôi sao thể thao cũng cần phải tự chủ động sử dụng công nghệ để tiếp thị, quảng bá hình ảnh ra sao thì mới có được nhiều fan, để khi thi đấu mới có người đến xem, cũng như thu hút thêm nhà tài trợ cho cá nhân mình. Nếu người làm thể thao không chuyên nghiệp trước, thì cũng đừng ngạc nhiên khi người hâm mộ hiện nay cũng cổ động theo kiểu phong trào.