Theo thông báo của Nhà Trắng ngày 6-5, tại Hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Washington tuần tới, Mỹ sẽ đề xuất với nguyên thủ các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC - gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất - UAE) thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung. Hệ thống phòng thủ này sẽ do các nước vùng Vịnh quản lý và điều hành, còn Mỹ sẽ chỉ đóng vai trò cố vấn và hỗ trợ về mặt kỹ thuật.
Mặc dù Nhà Trắng cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo như một công cụ răn đe đối với một nước Iran có vũ khí hạt nhân trong tương lai, nhưng đây là một bước đi nhằm trấn an các nước vùng Vịnh rằng Washington không bỏ rơi họ khi cuộc đàm phán giữa Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) với Iran có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện trước ngày 30-6 tới. Bước đi này nằm trong nỗ lực của Nhà Trắng muốn xoa dịu mối quan ngại của các đồng minh vùng Vịnh trong bối cảnh các quốc gia hàng đầu tại vùng Vịnh muốn Washington cung cấp đảm bảo an ninh và các hệ thống vũ khí mới, để đổi lại việc những nước này ủng hộ một thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Báo Wall Street ngày 3-5 dẫn lời các quan chức UAE và Mỹ cho biết các nhà lãnh đạo của GCC có kế hoạch tranh thủ một cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối tháng này để đề nghị Washington cam kết tăng cường an ninh, bán vũ khí mới và tiến hành nhiều hơn các cuộc diễn tập quân sự chung... Họ cũng có ý định gây sức ép với Tổng thống Obama về các thỏa thuận quốc phòng mới với Mỹ, theo đó yêu cầu Washington phải can thiệp nếu những nước này bị Iran tấn công.
Bên cạnh những động thái nhằm tranh thủ sự ủng hộ và đảm bảo sự an toàn của vùng Vịnh, người Mỹ đã đặt trên bàn đàm phán những điều kiện để thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không là nhân tố gây bất ổn cho cả họ và phương Tây. Cùng ngày 6-5, chính quyền Mỹ tuyên bố muốn đưa vào thỏa thuận cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran một điều khoản. Theo đó, nếu Tehran vi phạm thỏa thuận thì các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc (LHQ) sẽ tự động được nối lại, nhưng Nga và Trung Quốc không còn được quyền sử dụng lá phiếu phủ quyết (như từng làm đối với các nghị quyết liên quan tới Syria).
Nếu như Mỹ và phương Tây khăng khăng “sẽ không có một thỏa thuận hạt nhân nào cả nếu như các biện pháp trừng phạt Iran không thể được tự động khôi phục”, thì Nga, Trung Quốc và Iran cũng muốn nhận được sự đảm bảo trong thỏa thuận hạt nhân rằng “nếu thành viên của đảng Cộng hòa thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016 thì chính phủ Mỹ sẽ không đơn phương khôi phục việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Tehran”.
Không những muốn loại bỏ quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, mà theo đề xuất của nhóm P5+1, một ủy ban rà soát cơ chế giám sát việc Iran mua các công nghệ hạt nhân nhạy cảm hiện nằm trong danh sách cấm của LHQ sẽ được lập ra, bao gồm các đại diện của cả Iran và nhóm P5+1. Nhưng trong đó, Iran sẽ chỉ được phép đưa ra ý kiến chứ không được quyền phủ quyết các quyết định của ủy ban này. Trước những “thế thủ” khá an toàn này, chắc chắn Iran khó có thể đồng tình và các bên sẽ còn mất nhiều thời gian để có thể đi tới một thỏa thuận.
HẠNH CHI