Thêm ba, thêm mẹ

Thêm ba, thêm mẹ

Sau đổ vỡ hôn nhân, nhiều cặp vợ chồng tái kết hôn và con cái của họ phải làm quen với gia đình mới có thêm ba dượng, mẹ kế. Nhờ sự sẻ chia, gắn kết bằng lòng bao dung, tình yêu thương của người lớn, nhiều đứa con cảm thấy hạnh phúc khi có thêm người cha, người mẹ thứ hai.

Từ ánh mắt thù địch…

Sau khi ly dị chồng ít năm, chị Hương quê ở miền Trung chuyển vào TPHCM sinh sống và gặp được người đàn ông thương mình. Chồng mới cũng đã qua “một lần đò” và có cô con gái khoảng 10 tuổi ở với mẹ. Anh chấp nhận sống chung với 2 con riêng (một trai 5 tuổi và một gái 10 tuổi) của vợ sau. Sau hơn 1 năm kết hôn, họ có thêm cô con gái “chung”.

Theo chị Hương, giai đoạn gian nan nhất là lúc họ mới dọn về sống chung và nảy sinh xung đột, phản ứng tự nhiên giữa các thành viên. Khó nhất là việc kết nối để 2 con riêng của mình “hiểu” - chồng mới của mẹ. Thế nhưng, cô con gái 10 tuổi luôn phản ứng ngầm, thậm chí vận động em trai chống đối thành viên lạ.

Ly hôn không phải là chấm hết. Mọi người có thể học hỏi để xây dựng cuộc sống hạnh phúc! Ảnh: T.L.

Là người hiểu biết và cũng tâm lý nên ông bác cứ nhẹ nhàng, không đòi hỏi 2 con của vợ phải biết cách ứng xử đúng. Thậm chí khi bị chúng phản ứng, nhìn bằng ánh mắt lạnh lùng, trả lời nhát gừng, miễn cưỡng khi được hỏi, ông bác cũng chỉ cười, không hề trách móc. Khi đã hơi quen, ông sẵn sàng đưa đón 2 con của vợ đi học. Ông cũng lăn xả vào bếp phụ vợ, làm những món ngon đãi cả gia đình vào ngày cuối tuần, dịp lễ.

Rồi một lần có việc phải gọi con gái của vợ để hỏi giờ đón, ông bỗng thấy điện thoại trên bàn đổ chuông. Thì ra con gái vợ bỏ quên điện thoại ở nhà và mở ra ông thấy dòng chữ “ngu như bò”. Vì chịu đựng thái độ phản ứng con của vợ đã lâu, nay lại thấy dòng chữ hỗn láo trên điện thoại, ông gọi ngay cho vợ trút nỗi bực dọc, trách móc chị không dạy được con. Hiểu ra vấn đề nghiêm trọng, chị xin lỗi và hứa sẽ nói chuyện với con gái. Vì chuyện nghiêm trọng, chị rủ con đến quán giải khát gần nhà nói chuyện và tìm hiểu lý do vì sao con lại cài dòng chữ thiếu văn hóa như thế trong điện thoại. Nghe mẹ nói, nó nhận ra đó là việc làm sai trái và hứa về nhà xin lỗi bác ngay. Chị như trút được gánh  nặng khó xử và sau khi nhận lời xin lỗi, chồng chị cũng bao dung, bỏ qua lỗi lầm của con trẻ. Sau sự cố đó, con gái chị không còn phản ứng tiêu cực với cha dượng nữa và nhìn ông với ánh mắt thân thiện, gần gũi hơn. Sau vài năm, cả hai chị em chuyển qua cách xưng hô thân thiện là “bố”. Từ đó, ông bác rất vui và giữa họ không còn sợi dây vô hình nào ngăn cách. Từ chuyện nhỏ đến học hành, chọn nghề, chọn trường… cả hai con của chị đều tham khảo ý kiến của ba.

Đến thấu hiểu, yêu thương

Thấy chồng thương con mình như con ruột, chị cũng đáp lại bằng cách yêu quý con chồng như con mình. Không chỉ chủ động tạo sự thoải mái, thân thiện và dễ chịu khi cô con gái của chồng đến nhà chơi, chị còn mời cháu cùng gia đình tham gia các cuộc vui để cháu gắn kết với em gái cùng cha khác mẹ và con cái của chị. Do người lớn mở lòng, kết nối yêu thương bằng sự chân thành, con chung, con riêng của họ thân thiện, gần gũi như người một nhà.  Rồi phạm vi, quan hệ giữa gia đình cũ và mới cũng mở rộng ranh giới bằng sự thân thiện, cởi mở để cùng chung tay chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Khi có dịp công tác ở TPHCM, chồng cũ của chị cũng ghé nhà thăm con và cùng ăn uống với gia đình mới của vợ. Ngược lại, vợ cũ của anh khi có dịp hoặc cần gì cũng vui vẻ nói chuyện với vợ chị. Giữa họ không có chuyện thù hằn, đố kỵ vì thấu hiểu và chúc phúc cho hạnh phúc mới của mỗi người. Chị Hương kể lại câu chuyện vui mới đây của gia đình mình khi cô con gái riêng chuẩn bị lên xe hoa. Nó khẳng định ngày vui của mình phải có đầy đủ cả bố ruột và bố dượng. Trước ngày cưới, bố dượng lo lắng, quan tâm cho con gái của vợ còn hơn con ruột. Hiểu rõ điều đó nên chồng cũ của chị chủ động gọi điện cảm ơn. Ông bộc bạch chân thành rằng: “Tôi là bố ruột có công sinh nhưng dưỡng dục, chăm sóc cháu thành người là công của bác. Tôi ở xa, không có điều kiện lo cho cháu trước ngày lên xe hoa chu toàn như bác. Thành thật cảm ơn bác…”. Và trong ngày cưới, cô dâu rạng rỡ ôm chầm lấy bố dượng. Cô rơm rớm nước mắt, thì thầm nói lời cảm ơn bố.

Ngược lại đến ngày cưới của con gái chồng, chị cũng góp sức, vun vén, chăm lo hạnh phúc cho nó vẹn toàn. Đến chia vui với con chồng ngày vu quy, chị cũng nhận được cái ôm hôn thắm thiết của nó.

Đúng là hôn nhân tập hai bao giờ cũng phức tạp, phát sinh rắc rối nhiều hơn. Nhưng nếu biết sẻ chia, ứng xử tinh tế và cùng nhìn về bến bờ yêu thương bằng lòng bao dung, cởi mở thì mọi rắc rối, xung đột sẽ được hóa giải thành đơn giản. Con cái chung và riêng sẽ vui hơn, hạnh phúc hơn khi nhận được tình cảm, sự yêu thương nhiều hơn từ ba bố dượng, mẹ kế. Đúc kết kinh nghiệm “rổ rá cạp lại”, chị Hương cho biết: “Không dễ để con trẻ chấp nhận sự thay đổi, sự đổ vỡ của người lớn cũng như hoán đổi vai trò, hình ảnh của bố, mẹ ruột. Nhưng nó sẽ bật ra tiếng gọi thân thương khi cảm nhận được “người thứ 3” - chồng hoặc vợ mới của ba, mẹ là chỗ dựa yêu thương, bù đắp mất mát tình cảm...”

Diệu Anh

Tin cùng chuyên mục